Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
Huyện Mường Khương hiện có 228 người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm qua, người có uy tín đã trở thành “cầu nối” quan trọng trong tuyên truyền, vận động, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân, giúp đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.Nhận thức rõ vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong huyện đã triển khai thực hiện Quyết định số 18 ngày 18/3/2011 và Quyết định số 56 ngày 7/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Quyết định số 21 ngày 30/5/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai. Qua đó, phát huy tối đa khả năng và điều kiện của đội ngũ này trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, vận động quần chúng, xây dựng Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự ngay tại cơ sở cũng như phục vụ hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người có uy tín tích cực vận động người dân tham gia phát triển kinh tế. |
Người có uy tín trên địa bàn huyện Mường Khương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình, dòng họ đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều gia đình người có uy tín được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Người có uy tín đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời là hạt nhân tích cực vận động nhân dân giữ gìn thôn bản bình yên, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất.
Những năm qua, huyện Mường Khương đã tổ chức thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người có uy tín, nhằm động viên tinh thần và công lao đóng góp của họ đối với địa phương, cộng đồng, xã hội. Huyện tổ chức tặng quà thăm hỏi, động viên gia đình người có uy tín vào dịp lễ, tết; tuyên dương, khen thưởng kịp thời người có uy tín tiêu biểu trong lao động, sản xuất, tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức gặp gỡ, giao lưu với người có uy tín. Từ sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, người có uy tín đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong xóa đói, giảm nghèo; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Họ tích cực vận động gia đình và đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các giống mới, năng suất cao vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại hiệu quả.
Nhiều người có uy tín tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn nhiệt tình tham gia công tác ở cơ sở, đảm nhận các chức vụ như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn bản, trưởng ban công tác Mặt trận...; tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh, là thành viên mẫu mực của các tổ chức chính trị - xã hội. Ngoài ra, người có uy tín cao tuổi còn phát huy vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; tích cực vận động người dân tham gia quỹ khuyến học, xây dựng quỹ khuyến học, gia đình khuyến học, dòng họ khuyến học. Tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình người có uy tín, như ông Lừu Seo Sáng, thôn Sín Chải B, xã Tả Ngài Chồ với mô hình trồng cây quýt; ông Giàng Chúng, thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu với mô hình trồng cây dứa và cây chuối; ông Phàn Khái Bình, thôn Pờ Hồ, xã Thanh Bình và ông Giàng Dính, thôn Sả Lùng Chéng, xã Cao Sơn điển hình trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự thôn bản có ông Thùng Trá Phà, thôn Hoáng Thền, thị trấn Mường Khương; bà Vàng Thị Mai, thôn Máo Chóa Sủ 1, xã Tả Ngài Chồ…
Bằng những kinh nghiệm và hiểu biết, người có uy tín đã góp những tiếng nói, ý kiến quý báu trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực sự là “cầu nối” giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các cấp chính quyền; đồng thời đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.