Lào Cai: Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Những năm qua, công tác giáo dục đào tạo luôn được tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm. Cùng với sự chỉ đạo của Trung ương, sự nỗ lực không ngừng của các cấp ngành trong tỉnh, giai đoạn 2011-2016, công tác giáo dục và đào tạo Lào Cai đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.Triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, cùng với thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều đề án, cơ chế, chính sách để phát triển sự nghiệp giáo dục như: Chương trình hành động số 153; Đề án 06 của Tỉnh ủy về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục; Đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp học; chính sách làm nhà cho học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên và nhiều chính sách hỗ trợ học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn,… Các giải pháp cụ thể, sáng tạo này đã phù hợp với thực tiễn địa phương, có ý nghĩa quan trọng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Việc phát triển quy mô hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục được xem là nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược để triển khai thực hiện “đổi mới căn bản toàn diện giáo dục”. Tỉnh đã dành trên 600 tỷ đồng để thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học. Trong năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 658 cơ sở giáo dục với 1.458 điểm trường; 8.439 nhóm/lớp. Có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 02 trường Cao đẳng, 02 trường Trung cấp, 14 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 01 Trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng dạy nghề và trên 25 cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia dạy nghề. 9/9 huyện, thành phố đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và được đổi tên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên.
Cơ sở vật chất trường, lớp học tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa. Việc đầu tư được gắn với Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ sở giáo dục vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh có nhà lớp học kiên cố tại trường chính.
Công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Đến năm 2017, Lào Cai đã được công nhận 309/658 trường đạt chuẩn quốc gia (đứng thứ 5/15 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc). Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường đạt trên 91%. Các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đặc biệt là hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh và công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu và phụ đạo học sinh yếu kém được triển khai thực hiện đồng bộ, đa dạng, tích cực.
Lào Cai đã đạt chuẩn phổ lập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2013
Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, tốt nghiệp Trung học cơ sở hằng năm ổn định và đạt ở mức cao; số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt và học lực khá, giỏi tăng dần qua các năm. Nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ giao lưu, các kì thi cấp Quốc gia và khu vực. Kết quả thi học sinh giỏi các cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông năm 2016, tỉnh Lào Cai đạt tổng số 41 giải, xếp thứ 6/15 tỉnh thuộc vùng thi đua số 1. Cuộc thi Khoa học, Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 toàn quốc, Lào Cai đạt 01 giải Nhì toàn cuộc.
Lào Cai là một trong 6 tỉnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn triển khai thí điểm mô hình trường học mới. Đối với cấp tiểu học năm học 2012-2013 toàn tỉnh có 81 trường tham gia dự án mô hình trường học mới, đến năm học 2016-2017 có 165 trường tham gia mô hình này. Ở cấp Trung học cơ sở đã nhân rộng tại 106/189 trường. Việc triển khai linh hoạt , sáng tạo, vận dụng những yếu tố tích cực của mô hình trường học mới phù hợp với điều kiện địa phương của Lào Cai đã tạo được sự đồng thuận trong cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân.
Lào Cai đã triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020” trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của học suốt đời, đẩy mạnh xã hội học tập. Các hình thức học tập khác được phát triển đa dạng tại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng được hầu hết nhu cầu cập nhật, nâng cao kiến thức văn hóa, nghề nghiệp cho người dân. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số cũng được tỉnh quan tâm. Đã có 71.083 lao động nông thôn tham gia học nghề. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản đảm bảo về tỷ lệ và cơ cấu bộ môn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, vững vàng về tư tưởng, ổn định về số lượng. Hiện toàn tỉnh có 1.663 cán bộ quản lý giáo dục, 14.574 giáo viên. Tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo chiếm tỷ lệ cao 100% ở cả 3 cấp học.
Công tác xã hội hóa giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng trong đổi mới giáo dục của Lào Cai. Từ năm 2015, tỉnh đã tiếp nhận nhiều chuyên gia người nước ngoài do tổ chức KOICA, Tổ chức Global Care (Hàn Quốc), Đại sứ quán Hoa Kỳ cử sang giảng dạy tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc cho cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, phổ thông trên địa bàn thành phố Lào Cai. Thường xuyên trao đổi, giao lưu với cơ sở giáo dục và đào tạo của Trung Quốc.
Lào Cai đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, đưa sự nghiệp giáo dục của tỉnh trở thành tỉnh dẫn đầu về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Giai đoạn 2016 -2020, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo đó, tập trung đầu tư thực hiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp; nâng cao chất lượng hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, trường trung học phổ thông chuyên; trường chất lượng cao để các trường này trở thành hệ thống trường nòng cốt, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực./.