Quyết liệt hơn trong thực hiện các hợp phần Chương trình Hạnh phúc tỉnh Lào Cai
Sáng ngày 19/4, tại Hội trường UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo Chương trình Hạnh phúc Lào Cai để đánh giá kết quả thực hiện trong quý I và triển khai thực hiện nhiệm vụ trong quý II.Đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Hạnh phúc tỉnh chủ trì cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. |
Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư đã báo cáo khái quát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Hạnh phúc tỉnh. Theo đó, chương trình đã giải ngân năm 2016, đạt 195,8 tỷ đồng, lũy kế đến hết ngày 15/4/2017 là 240,4 tỷ đồng (vốn KOICA 148,7 tỷ đồng, đạt 50% tổng vốn; vốn đối ứng 91,5 tỷ đồng, không gồm vốn nhân dân đóng góp). Tiến độ thực hiện 3 hợp phần cơ bản đúng tiến độ đề ra.
Trong đó, Hợp phần Phát triển cộng đồng đã thực hiện và hoàn thành đổ bê tông gần 200 km đường giao thông nông thôn (đạt 55% kế hoạch tổng thể) tại 28 xã của 4 huyện là Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương, Si Ma Cai. Chất lượng các tuyến đường tương đối tốt đạt yêu cầu tiêu chuẩn đặt ra.
Đối với việc thí điểm 8 làng theo mô hình Seamaul Undong cũng đang được triển khai tốt, các hoạt động hạ tầng năm 2016 đã hoàn thành và nghiệm thu. Các hạng mục công trình thuộc kế hoạch năm 2017 dự kiến hoàn thành công tác khảo sát, lập hồ sơ dự toán trong tháng 4 để cộng đồng thôn chủ động triển khai thực hiện. Các khóa đào tạo về nâng cao nhận thức, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Seamaul Undong thuộc chương trình đã được triển khai ở tất cả các cấp, bước đầu tác động đến nhận thức, thay đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới.
Hợp phần tăng cường năng lực, đối với tiểu hợp phần y tế đã triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực, tham quan học tập kinh nghiệm của hệ thống y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã trên địa bàn. Đồng thời cũng đã giới thiệu, triển khai 8 làng sức khỏe cho UBND 3 huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương. Về tiểu hợp phần giáo dục, hiện đang theo hướng hỗ trợ nhiều cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây 3 nhà ký túc xá cho Trường PTDTNT huyện Mường Khương, Sa Pa và Trung tâm KTTH – HNDN & Giáo dục thường xuyên tỉnh.
Năm 2017 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình, các đơn vị phấn đấu hoàn thành đổ bê tông 166,3 km đường giao thông nông thôn; hoàn thành bàn giao 3 nhà ký túc xá và các hạng mục bổ sung trước 31/12. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực theo đúng nội dung và mục tiêu các hợp phần đề ra.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã phát biểu ý kiến đóng góp nhằm triển khai có hiệu quả chương trình trong thời gian tới; chính quyền địa phương, nhất là cấp xã cần chủ động, tích cực trong việc tham gia thực hiện các hợp phần của dự án…
Ông Kim Sun Ho, Giám đốc Văn phòng Tư vấn quản lý Chương trình Hạnh phúc Lào Cai phát biểu tại cuộc họp. |
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến đại biểu đưa ra, ông Kim Sun Ho, Giám đốc Văn phòng Tư vấn Quản lý Chương trình Hạnh phúc Lào Cai cho rằng: Ban chỉ đạo chương trình, đặc biệt là chính quyền các địa phương cần tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được của chương trình và quyết liệt hơn trong thực hiện các tiểu hợp phần còn lại của dự án. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện vốn đối ứng của tỉnh Lào Cai trong làm đường giao thông nông thôn. Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) ở Việt Nam cũng sẽ xem xét và có thể sẽ đưa ra các chương trình hợp tác và hỗ trợ Lào Cai phát triển trong tương lai.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được của các dự án của Chương trình Hạnh phúc Lào Cai trong thời gian qua; đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đồng chí yêu cầu các đơn vị thành viên cần xác định giai đoạn tới là giai đoạn nước rút khẳng định sự thành công hay thất bại của Chương trình. Do vậy, các ngành, các địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tư duy mới, cách làm mới trong xây dựng nông thôn mới. Các địa phương cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc thực hiện các hợp phần của chương trình, quan tâm đến làm đường giao thông nông thôn; xây dựng làng theo mô hình Seamaul Undong; các chương trình y tế, giáo dục…