Huyền tích dưới chân Khau Mạ

Nghiêng say trong giai điệu đàn tính, trong điệu múa then truyền thống, chúng tôi cứ thế phiêu du giữa thăm thẳm của miền huyền thoại với những điều bí ẩn vẫn chưa được giải mã, với một lớp “trầm tích” văn hóa trong ngôi làng, dưới chân núi Khau Mạ cổ tích…

Theo phong tục truyền thống ở đây, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng, cả thôn sẽ mổ lợn để làm lễ kết thúc Tết Nguyên đán, để bắt đầu một vụ mùa sản xuất mới… Không chỉ được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày trong không gian văn hóa nhà sàn, đắm say giai điệu khắp Nôm, chúng tôi còn may mắn được nghe người dân nơi đây kể về giai thoại của làng Mạ (nay gọi là thôn Mạ) - Làng văn hóa ẩm thực đang được huyện Văn Bàn xây dựng trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng đất này.

Đội văn nghệ Câu lạc bộ hát Nôm thôn Mạ biểu diễn một điệu khắp Nôm truyền thống.

Trong nếp nhà sàn truyền thống đã gần 40 năm, ông Phan Công Thương kể lại sự tích về làng Mạ - câu chuyện được nghe từ ông nội của ông: Ngày xưa, nơi đây là khu rừng của người Thái đen sinh sống. Vào thời giặc Nguyên Mông xâm chiếm nước ta, người Thái đen bị một trận dịch tả, cướp đi rất nhiều sinh mạng. Thấy vùng đất “lành ít, dữ nhiều”, người Thái đen rủ nhau bỏ chạy khỏi trận dịch ấy… Sau này, các dòng họ người Tày mới tìm đến để lập bản mới. Hiện, trong làng vẫn còn vết tích những ngôi mộ cổ của người Thái đen. Làng Mạ cổ trước đây nằm trong Mường Thát (Mường Thát xưa được phân định từ địa phận xã Hòa Mạc ngày nay kéo dài cho đến xã Liêm Phú). Làng Mạ nằm dưới chân núi Khau Mạ, có dòng suối Nặm Mạ chảy qua… Người Tày ở làng Mạ đều biết sau làng có dãy núi cao chót vót, đỉnh núi hình đầu con ngựa, nhưng không biết tên núi có từ bao giờ, chỉ biết đời ông cha đã gọi với cái tên Khau Mạ…

Cũng theo ông Thương, đầu tiên có 3 hộ thuộc dòng họ Phan đến đây, thấy cánh đồng có sẵn, mới đưa cả gia đình đến sinh sống. Sau này, họ về làng cũ gọi anh em, họ hàng đến lập thành làng Mạ. Sở dĩ có tên làng Mạ, là do trước đây gọi là làng Ma, sau này đọc chệch thành làng Mạ. Nhưng có lẽ, theo tôi thì ý nghĩa tên làng Mạ bắt nguồn từ “tô mạ” (theo tiếng Tày nghĩa là con ngựa), vì trước đây cả vùng này nuôi rất nhiều ngựa. Hàng trăm con ngựa được bà con nuôi thả trên rừng và dưới cánh đồng.

Ông Thương còn được nghe ông nội mình kể câu chuyện cổ tích dưới chân núi Khau Mạ rằng: Ngày xưa vùng núi Khau Mạ có ông chủ mỏ bạc. Trong làng Mạ có ông quan, người dân gọi là Tào Mạ. Ông T   ào Mạ có hai con gái, một cô da trắng rất xinh xắn, một cô thì da đen và có phần kém sắc hơn. Ông chủ mỏ bạc ngỏ ý với ông Tào Mạ muốn cưới cô con gái da trắng về làm vợ cho con trai. Không hiểu vì lý do gì, ngày rước dâu về nhà, ông Tào Mạ lại đánh tráo, gả cô con gái da đen cho con trai chủ mỏ bạc. Ông chủ mỏ bạc nổi trận lôi đình, đánh sập mỏ… Trong 7 ngày, 7 đêm liên tục, dân trong làng Mạ cứ nghe thấy những tiếng nổ lớn và tiếng “ùng ục, ùng ục” trong lòng đất, họ kéo nhau lên mỏ để đào, nhưng càng đào xuống sâu càng không thấy gì. Ngày nay, mỏ bạc trên núi Khau Mạ vẫn còn vết tích về những chiếc hố sâu ấy; có hang Thẳm Kê (hang dơi) và một đầm Voi rộng quanh năm không lúc nào cạn nước…   

Tác giả (thứ hai từ trái sang) nghe người dân thôn Mạ kể lại những giai thoại.

Từng là Trưởng thôn Mạ, ông La Thanh Mong, hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Nôm của thôn Mạ 1, Mạ 2 cho biết: Nghe người già trong bản kể lại thì thôn Mạ hình thành cách đây hơn 300 năm, ban đầu là bản của người Thái đen, cả một vùng rừng núi hoang vu rậm rạp, có nhiều thú dữ. Sau nhiều lần bị thú dữ vào nhà tấn công, họ di cư đi tìm bản mới, bỏ lại cả một vùng đất trống. Mãi về sau, có một người đàn ông thường xuyên đến đây chăn ngựa, rồi sau này có 7 người anh em kết nghĩa đến đây, thuộc 7 dòng họ là họ Phan, họ Hoàng, họ Lý, họ Sầm, họ La, họ Lục, họ Nguyễn tới sinh cơ lập nghiệp. Dần dần các dòng họ cùng nhau đoàn kết dựng nhà, lập bản và tạo nên vùng đất trù phú dưới chân núi Khau Mạ huyền thoại. 

Ngày nay, người Tày ở đây vẫn duy trì tục cúng thần làng - ông Tào Mạ vào đúng ngày mùng Một Tết Nguyên đán. Cả làng tập trung làm lễ cầu may cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sau đó mới tổ chức các trò chơi dân gian: Đánh yến, tó mắc lẹ, ném còn… Cho dù những huyền tích về ngôi làng bình yên dưới chân núi Khau Mạ có sự giải mã khác nhau về tên làng, tên núi bởi không ai ghi chép lại, chỉ được truyền miệng theo năm tháng, nên cũng phần nào “tam sao thất bản”, nhưng có một sự thực hiển hiện, đó là đồng bào Tày nơi đây vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống, giữ nguyên bản sắc trong văn hóa, tín ngưỡng và những tinh hoa trong chế biến các món ẩm thực, tạo nên một miền văn hóa ẩm thực hấp dẫn du khách muôn phương…  

Ông Hoàng Đình Ngân, Bí thư Chi bộ thôn Mạ 1 - người trực tiếp tham gia mô hình Nhà văn hóa ẩm thực cho biết: Trung bình mỗi hộ đầu tư khoảng 50 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 15 triệu đồng/nhà để cải tạo nhà ở, đổ bê tông sân, xây bếp, công trình phụ trợ, đổ đường đi bằng bê tông, chỉnh trang khuôn viên quanh nhà, tạo không gian thông thoáng, sạch đẹp...

Cả Mạ 1 và Mạ 2 đều là thôn đặc biệt khó khăn, cuộc sống của các hộ dân hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp (trồng 2 vụ lúa nước, 2 vụ ngô). Tuy nhiên, do gần trung tâm thị trấn Khánh Yên, nên diện tích đất nông nghiệp không nhiều. Từ khi phát triển mô hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, cuộc sống của một số hộ dân được cải thiện rõ rệt. Như gia đình ông Hoàng Đình Ngân, trước đây mỗi năm thu nhập từ trồng lúa, ngô được khoảng 20 triệu đồng (trung bình 1,7 triệu đồng/tháng), sau một thời gian làm mô hình Nhà văn hóa ẩm thực, gia đình ông đã có khoản thu nhập khá hơn, được 3,7 triệu đồng/tháng; trong khi vẫn có thời gian để sản xuất nông nghiệp. 

Chỉ tính từ tháng 11/2016 đến nay, đã có khoảng 130 đoàn khách trong và ngoài huyện, thậm chí có cả khách nước ngoài đến thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm không gian văn hóa nhà sàn của đồng bào Tày nơi đây.

Chiêu một ngụm rượu, ông Phan Văn Phánh, thôn Mạ 1 bảo: Tất cả những món ăn thết khách đều là món ẩm thực truyền thống, dân dã của đồng bào Tày. Thường thì, các gia đình đã lên sẵn thực đơn cho khách với các món như: Thịt lợn bản trộn với hạt dổi, nước gừng, cuốn mỡ chài, sau đó kẹp vào nứa nướng trên than hồng; gà nướng xé phay chấm gừng; cá nướng; thịt lợn cắp nách nướng, luộc; xôi nhuộm màu từ lá cây rừng; canh gà nấu g���ng… Đặc biệt, ở đây còn những món ăn lạ miệng, chỉ có ở vùng đất này, như nhộng cọ chiên giòn hoặc xào với “thối nâu”, măng rừng nướng chấm mẻ; nộm rau dớn rừng; quả cà gai xào lá đu đủ; nộm hoa chuối; nõn cây đao rừng xôi lên để nấu canh…   

Bên nếp nhà sàn truyền thống.

Điều khiến du khách rất thích thú khi đến với thôn Mạ là ngoài những món ăn ngon, còn được trải nghiệm những sinh hoạt văn hóa trong không gian nhà sàn truyền thống, được tìm hiểu và khám phá những nét độc đáo về nhà sàn, tập quán và hòa mình vào những làn điệu múa then, hát Nôm.

Cả ông Ngân và ông Phánh đều cho biết: Ngày xưa, nhà sàn truyền thống còn có “pai thích” (sàn nứa làm sân của nhà sàn - có nơi gọi là “pai chan”) bởi theo phong tục, mọi hoạt động của gia đình đều diễn ra trên “pai thích”. Đây cũng là chỗ để trẻ con vui chơi, nô đùa, là chỗ để trai gái trong làng mỗi đêm trăng sáng ra ngồi trò chuyện, tâm tình và hát giao duyên. Trên “pai thích” còn có bể nước, máng rửa chân và nhiều vật dụng khác dùng trong sinh hoạt của các gia đình. Vì là sân ngoài trời, làm bằng tre nứa, năm nào các gia chủ cũng phải làm mới, nên dần dần, người ta không còn để “pai thích” nữa mà di chuyển xuống sân bê tông dưới nền đất trước nhà.

Chị La Thị Chanh, thành viên trong đội văn nghệ Câu lạc bộ hát Nôm tâm sự: “Chúng tôi rất vui và tự hào khi đem đến cho du khách những giây phút được lắng đọng trong không gian văn hóa của đồng bào mình, đặc biệt được thể hiện giai điệu khắp Nôm…”.    

Tuy nhiên, để xây dựng thôn Mạ trở thành Làng du lịch cộng đồng điển hình, theo đồng chí Lê Xuân Quỳnh, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Yên: Trong thời gian tới, UBND thị trấn sẽ chỉ đạo thôn tiếp tục đầu tư thêm một số loại hình dịch vụ như cải tạo ao để phát triển dịch vụ câu cá thư giãn, tham quan nhà sàn, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp với người dân và khám phá rừng cọ…

Trong cái rét nàng Bân, sau khi đã ngấm đủ men say của đồng bào Tày, sưởi đủ ấm bên bếp lửa giữa nhà sàn, tôi kéo tấm chăn bông lau lên đắp, bên kia suối chảy róc rách… nhưng vẫn cảm nhận rõ cái rét ngọt nơi miền cổ tích và nghĩ về những điều còn ẩn sâu trong ngôi làng dưới chân núi Khau Mạ huyền thoại.

Kiều Lê

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...