Những “dòng suối” chảy ngược

Những gian nan, vất vả ở thôn, bản xa xôi khiến nhiều thầy cô giáo dù được bố trí chức vụ quản lý trường vẫn chọn làm giáo viên “trơn” nơi thành thị. Giữa “thác lũ” chảy xuôi như thế, thật bất ngờ khi vẫn có những “dòng suối” kiên cường chảy ngược lên non cao.
Giờ học Ngữ văn của cô và trò Trường THPT số 1 huyện Mường Khương.

Gian nan “chảy ngược dòng”

Tôi gặp thầy giáo Vũ Ngọc Trai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Sa Pa vào một ngày đầu năm 2017. Phòng làm việc của thầy Trai ở tầng 3 của khu nhà hiệu bộ mới xây, gió từ cửa sổ phía sau cứ thổi ào ạt vào phòng rồi luồn ra cửa trước, rét tái tê.

Thầy Trai bảo, trường nằm ở triền gió, phòng làm việc cũng là phòng ở nên “lúc nào cũng mát”. Dù sao điều kiện bây giờ đã tốt hơn trước, ngày thầy mới từ Trường THPT số 2 thành phố Lào Cai lên đây công tác, trường lớp còn đơn sơ, thầy và trò vất vả, thiếu thốn hơn nhiều. Vào mùa khô hằng năm, trường thường xuyên bị thiếu nước sinh hoạt, có khi học sinh bán trú phải tắm nhờ nhà dân.

Đến thời điểm này, thầy Vũ Ngọc Trai đã xa vợ và 2 con nhỏ để lên công tác ở Trường THPT số 2 Sa Pa được 3 năm. Kỷ niệm mà thầy Trai không thể nào quên khi rời phố lên bản là lần vượt chặng đường hàng chục km lên thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van để vận động học sinh ra học lớp 10, đến tận 10h tối mới về tới trường. Trong chuyến đi đó, các thầy cô giáo đã “kéo” được 3 học sinh ra lớp, còn 2 em khác gia đình nhất quyết không đồng ý cho đi học vì phải ở nhà lao động để nuôi vợ con, một em thì sắp lấy chồng. Kỷ niệm đó giúp thầy hiểu được cái khó của giáo dục vùng cao và cảm thông với nỗi nhọc nhằn cũng như cảm giác của các thầy, cô giáo dù thương học trò nhưng đành “bất lực” trước những hủ tục. Ba năm gắn bó với Trường THPT số 2 Sa Pa, tuy chưa phải dài, nhưng điều thầy Trai đúc rút được là làm giáo dục vùng cao không thể nôn nóng, phải “mưa dầm thấm lâu”.

Câu chuyện của thầy Vũ Ngọc Trai chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về các thầy cô giáo tình nguyện lên vùng cao công tác trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Trên thực tế, từ lâu, ngành giáo dục - đào tạo tỉnh đã có rất nhiều tấm gương thầy cô giáo nỗ lực tình nguyện cống hiến cho vùng cao. Chuyện thầy giáo Phạm Văn Hoàng từ quê hương Bắc Ninh lên Lào Cai công tác, làm nhiệm vụ ở Trường THPT số 1 Si Ma Cai, rồi lại tình nguyện vào công tác tại Trường THPT số 2 Si Ma Cai khi trường thành lập ở xã Sín Chéng có muôn vàn khó khăn. Đến nay, thầy Hoàng vẫn ngày đêm gắn bó với ngôi trường ấy. Rồi chuyện thầy giáo Ngô Tất Thắng, từ trường học bán công của thành phố Lào Cai xin vào Trường THPT số 1 Bát Xát công tác, sau đó lại tự nguyện “đầu quân” cho Trường THPT số 2 Bát Xát khi mới thành lập trên địa bàn xã Bản Vược.

Trường THPT số 2 Bát Xát được xây dựng khang trang, mọi khó khăn dần qua đi, ai cũng nghĩ từ đây thầy giáo Thắng sẽ yên tâm công tác ở trường với cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhưng điều bất ngờ là cách đây hơn 3 năm, thầy Thắng lại tiếp tục xin lên xã vùng cao Mường Hum để tham gia xây dựng Trường THCS và THPT mới ở đây. Tinh thần cống hiến là vậy nhưng lần nào được hỏi, thầy Thắng cũng khiêm tốn nói mình chưa làm được gì nhiều cho giáo dục vùng cao.

Thầy giáo Vũ Ngọc Trai tình nguyện lên công tác tại Trường THPT số 2 Sa Pa được 3 năm.

Thổi bùng “làn gió mát”

Từ những dòng suối “chảy ngược”, nhiều cá nhân tiên phong đã thổi bùng phong trào tình nguyện trong đội ngũ giáo viên của tỉnh, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực và nhân lực cho các trường học vùng cao nâng cao chất lượng giáo dục. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã có 767 cán bộ quản lý, giáo viên tình nguyện lên vùng cao công tác, 1.176 lượt giáo viên tự nguyện lên giúp đỡ và tham gia dạy hỗ trợ trường bạn với tổng số giờ dạy là 10.581 giờ.

Tôi còn nhớ một ngày cuối tháng 8/2014, khi tiếng trống khai giảng năm học mới chuẩn bị rộn rã vang lên, Sở Giáo dục - Đào tạo đã tổ chức buổi gặp mặt đầy xúc động để tiễn chân 21 thầy cô giáo bậc THPT tình nguyện tăng cường lên vùng cao công tác. Đó đều là cán bộ quản lý và giáo viên chuyên môn nòng cốt của 9 trường: THPT Chuyên, THPT số 1, số 2 và số 3 thành phố Lào Cai; THPT số 1 Bảo Thắng, THPT số 1, số 2 Bảo Yên; Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT Bắc Hà, Trung tâm GDTX Si Ma Cai đã tình nguyện tăng cường lên công tác tại 7 trường THPT vùng cao. Trong 21 giáo viên tình nguyện tăng cường lên vùng cao công tác, có 2 giáo viên được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng; 3 giáo viên tình nguyện thời hạn từ 3 - 5 năm, 18 giáo viên tình nguyện thời hạn 1 học kỳ. Điều đặc biệt là có thầy giáo chuẩn bị về hưu vẫn tình nguyện lên vùng cao Si Ma Cai công tác. Cho dù thời gian tình nguyện ngắn hay dài, thì tinh thần hướng về vùng cao ấy của các thầy cô giáo cũng thật đáng trân trọng.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng các thầy cô giáo tình nguyện vừa mang tâm huyết cống hiến cho vùng cao, vừa là sự trải nghiệm về chuyên môn của bản thân. Trong năm học 2016 - 2017, “luồng gió mát” ấy tiếp tục được thổi bùng lên trong ngành giáo dục và câu chuyện của các thầy cô giáo mang về thành phố sau những đợt tình nguyện đang thực sự là nguồn năng lượng, khích lệ cho các thế hệ giáo viên trẻ noi theo.

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...