Dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai – mở rộng cách tiếp cận hiệu quả
Giai đoạn 2 của dự án có khá nhiều thay đổi so với giai đoạn 1, trong đó nổi bật nhất là tập trung nguồn vốn cho các hoạt động sinh kế, thay vì việc đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, thêm vào đó, việc đầu tư cho các tiểu dự án sinh kế sẽ được triển khai theo hướng “đầu tư có điều kiện”, yêu cầu người dân phải góp một phần vốn (tối thiểu 20%). Yếu tố vệ sinh chăn nuôi và môi trường nông hộ được quan tâm, chú trọng.
Trong hợp phần ngân sách huyện, Dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2 đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình, chủ yếu là công trình thủy lợi. Với nguyên tắc đầu tư dựa theo đề xuất của người dân, phần lớn công trình đều có quy mô nhỏ, đáp ứng nhu cầu đời sống và sản xuất của người dân. Nguyên tắc này đã gắn bó người dân với công trình, hóa giải được những khó khăn về mặt bằng, huy động người dân tham gia đóng góp xây dựng bằng nhân công, vật liệu tại chỗ, tham gia giám sát và quản lý công trình đầu tư.
Cánh đồng một giống thôn Cốc Chứ, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương được bao tiêu sản phẩm
đầu ra khi tham gia liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo Séng Cù. Ảnh Thanh Cường
Không chỉ riêng tại Lùng Khấu Nhin, đến nay đã có 9 tuyến đường tương tự được đầu tư xây dựng, tất cả đều do người dân các thôn nhận thầu thi công. Việc giao quyền quyết định và thi công các công trình nhỏ cho cộng đồng đã mang lại những lợi ích rõ ràng – đó là đảm bảo tính thiết thực và chất lượng công trình, người dân thực sự coi đó là công trình của mình, khai thác vận hành có hiệu quả và bền vững hơn.
Quy mô nhỏ cũng là cách tiếp cận được dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2 áp dụng với mục tiêu phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua việc thành lập các nhóm đồng sở thích (CIG). Theo Ban quản lý dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2, hiện đang có hàng nghìn nhóm CIG được dự án hỗ trợ thành lập và đầu tư vốn. Mỗi nhóm gắn với một tiểu dự án sinh kế, được dự án cấp vốn theo phương án làm ăn do nhóm đề xuất. Không chỉ giải quyết vấn đề sinh kế, mô hình nhóm CIG còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong đời sống người dân vùng cao.
Để giải quyết vấn đề về thị trường tiêu thụ sản phẩm, Dự án giảm nghèo giai đoạn 2 đã xúc tiến việc hình thành các liên kết thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã được dự án giới thiệu và hỗ trợ để liên kết với nhiều nhóm có cùng sản phẩm để tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như nhóm đồng sở thích trồng cây dược liệu tại thôn Tà Chải (Tả Phìn – Sa Pa); công ty kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa; hợp tác xã Thành Sơn (Bát Xát); hợp tác xã kinh doanh tổng hợp Mường Khương,…các sản phẩm tham gia mô hình liên kết được bao tiêu đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kết thúc dự án giảm nghèo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 27,41%. Để duy trì tính bền vững của dự án, Chính phủ và Ngân hàng thế giới đã quyết định cấp tín dụng bổ sung và từ 4 huyện gồm Văn Bàn, Sa Pa, Bát Xát, Mường Khương mở rộng địa bàn thêm 2 huyện mới là Bắc Hà và Si Ma Cai. Thành công của dự án được đánh giá cao không chỉ ở kết quả dải ngân mà còn mang đến cách tiếp cận giảm nghèo mới – đầu tư theo đề xuất của người dân, hỗ trợ người dân thoát nghèo vươn lên./.