Đánh giá việc thực hiện hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Chiều ngày 01/3, Ban Chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” của tỉnh tổ chức họp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.Đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 61 của tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hữu Thể, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban xây dựng đảng; các sở, ban, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 61 của tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. |
Dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nêu rõ: Năm 2016, Ban Chỉ đạo Đề án số 61 tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai nhiệm vụ gắn với từng nội dung cụ thể theo Quyết định 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 đã tạo nên sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động. Hoạt động của hội nông dân các cấp tiếp tục đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động, gắn với quyền lợi của hội viên với tổ chức hội.
Hết năm 2016, toàn tỉnh có 93.109 hội viên sinh hoạt tại 1.968 chi hội; 100% hội nông dân huyện, thành phố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 97% cơ sở hội khá, vững mạnh. Hội Nông dân tỉnh (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Kết luận 61) tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp và các đơn vị thuộc Trung ương Hội đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng và hoàn thiện dự án xây dựng trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Đồng thời, xây dựng Đề án vị trí việc làm. Kiện toàn Ban Điều hành, Ban Kiểm soát Quỹ hỗ trợ nông dân, sắp xếp cán bộ chuyên trách, xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ đối với từng thành viên Ban Điều hành quỹ.
Các phong trào thi đua của hội nông dân các cấp phát triển sâu rộng, có nhiều gương điển hình trong lao động, sản xuất và kinh doanh. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân do các cấp hội trong tỉnh quản lý là trên 14 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân đã xây dựng được 22 mô hình phát triển sản xuất với 391 hộ. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh quản lý 691 tổ tiết kiệm với hơn 20 nghìn hộ vay, tổng dư nợ trên 605 tỷ đồng. Hội viên nông dân đóng góp được gần 44,6 tỷ đồng, hiến trên 191 nghìn m2 đất và trên 50 nghìn ngày công lao động xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Giàng Seo Vần đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo. |
Năm 2017, Ban Chỉ đạo Đề án 61 tỉnh đề ra 5 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra 3 đề xuất, kiến nghị với trung ương. Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận và làm rõ những tồn tại, hạn chế trong năm vừa qua. Qua đó, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp thích hợp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Kết luận 61 trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đề án 61 tiếp thu các ý kiến, đề xuất để hoàn chỉnh báo cáo, bổ sung phương hướng, giải pháp thực hiện. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tăng cường triển khai, thực hiện hiệu quả Kết luận 61 của Ban Bí thư và Quyết định 673 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh; làm tốt công tác tuyên truyền, đổi mới tư duy của nông dân về nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh huy động các nguồn lực để xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của quỹ; tăng cường công tác kiểm tra các địa phương, cơ sở.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Thị Nga phát biểu chỉ đạo. |
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề an 61 của tỉnh triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra; tập trung tổ chức triển khai thực hiện các mô hình sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, liên kết sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả từ nguồn quỹ hội, góp phần vào hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…