Giữ “hồn” thôn, bản

Khi những cánh rừng cứ mất dần do tác động của con người thì người dân ở thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (Mường Khương) đã nghĩ ra cách bảo vệ rừng hết sức sáng tạo, đó là rào rừng bằng dây thép gai.

Đang chạy xe trên con đường bê tông như dải lụa vắt qua những con dốc, giữa những mái nhà đơn sơ và rặng đào, mận đang khoe sắc xuân thì từ xa, chúng tôi thấy khu rừng hiện ra với những thân cây màu trắng vươn lên kiêu hãnh. Anh Thào A Sáu, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn khi nói về công tác bảo vệ rừng ở địa phương đã phấn khởi: “Khu rừng được người dân “bọc lại” bằng dây thép gai để bảo vệ, giữ gìn cho thế hệ mai sau đấy. Mô hình này hay lắm, phải vận động các thôn khác làm theo!”. Khu rừng mà Chủ tịch UBND xã nhắc đến ở trên một mỏm đồi; ruộng, nương và những ngôi nhà của người dân thôn Ngải Phóng Chồ nằm nép bên cạnh. Theo tiếng địa phương thì Ngải Phóng Chồ có nghĩa là ngôi làng có ong đến làm tổ. Trước đây, nơi này có nhiều cây cối, hoa nở quanh năm, nên ong thường đến làm tổ. 

Anh Sáu dẫn tôi tìm anh Ma Sử, Trưởng thôn và cũng là Bí thư Chi bộ Ngải Phóng Chồ. Thấy chúng tôi hỏi về khu rừng của làng, những vị cao niên trong thôn ai cũng hồ hởi. “Hôm nay, thôn có đám cưới, nên hôm qua, cả thôn đã đi rào rừng, xong đâu đấy mới đến đám cưới được”, một vị cao niên lên tiếng.

Những cánh rừng là nguồn sinh thủy cho vùng cao Mường Khương.

Anh Ma Sử sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ngải Phóng Chồ, nên khu rừng của thôn, anh “thuộc như lòng bàn tay”. Anh Sử tâm sự rằng, thời gian qua, diện tích rừng mỗi năm càng bị thu hẹp lại do người dân lấn dần làm nương, những cây gỗ lớn hàng trăm tuổi cũng ít dần. Trâu, bò thả rông, nên việc bảo vệ, tái sinh rừng khá khó khăn. “Nhiều lần được nghe tuyên truyền phải trồng rừng, bảo vệ rừng vì rừng là nguồn sống mà cứ đau đáu mãi, bởi chưa tìm được biện pháp hiệu quả. Rồi tôi chợt nghĩ: Người dân rào nương, rào vườn để đánh dấu đây là đất của mình, thì tại sao không thể rào rừng của thôn để đánh dấu?” - anh Sử bộc bạch.

Thế rồi, ý tưởng này được đưa ra trong các cuộc họp thôn. Sau khi thống nhất, anh Sử và những người có uy tín trong thôn đã vận động bà con góp công, trích quỹ thôn mua dây thép gai về rào khu rừng. “Rừng này là của chung, nếu mỗi năm rừng bị thu hẹp một chút thì đến đời con, đời cháu chúng ta sẽ hết rừng”, anh Sử đã nói như thế khi vận động bà con. Ý kiến góp tiền mua dây thép gai rào rừng nhận được sự đồng tình cao, ngay sau tết, người dân thôn Ngải Phóng Chồ đã kéo nhau vào rừng. Người mang cuốc, xẻng, người ôm những bó cây lớn làm cọc; những thanh niên khỏe mạnh nhất thôn thì cùng nhau khiêng những cuộn dây thép gai lớn. Để rào khu rừng có diện tích gần 50.000 m2, 93 hộ dân trong thôn mỗi hộ có ít nhất một người tham gia góp công; mặt khác, thôn trích hơn 6 triệu đồng tiền quỹ để mua dây thép gai. Cùng với rào rừng, các hộ dân bàn xây dựng quy ước, hương ước của thôn để có hình thức xử lý, xử phạt những trường hợp cố ý xâm nhập khu rừng hay làm ảnh hưởng đến tường rào. Các hộ dân trong thôn còn thống nhất mỗi năm sẽ có một đợt trồng cây bổ sung vào khu rừng này để cánh rừng thêm xanh hơn.

Kiểm tra lại hàng rào bằng dây thép gai.

Dẫn chúng tôi lên thăm khu rừng của thôn, anh Sử chỉ từng gốc cây bạch đàn rừng thân trắng, thẳng tắp, từng gốc cây tống quá sủ xù xì thân lớn đến 2 vòng tay người ôm. Năm trước, khu rừng này trải qua trận mưa tuyết, nên phần ngọn của những cây bạch đàn rừng đã bị chết, gãy khô, giờ đây, những thân cây còn sống sót đang nhú mầm hồi sinh. Quanh khu rừng, những dây thép gai được chằng trên những chiếc cọc gỗ thẳng tắp trở thành ranh giới bất khả xâm phạm đối với gia súc và hạn chế người ra vào rừng.

Trưởng thôn Ma Sử ngắm “tác phẩm” bảo vệ rừng của thôn rồi tâm sự: “Mỗi thôn, bản đều có điểm nhấn về không gian sống, nét văn hóa và hầu hết đều xuất phát từ cánh rừng, bởi rừng như hồn của thôn, bản vậy”. Tạm biệt khu rừng Ngải Phóng Chồ vào chiều xuân đầy nắng, nghe rõ tiếng cành lá xào xạc trong gió như reo ca, tôi thầm thán phục tinh thần và sự sáng tạo trong cách giữ rừng của người dân vùng cao nơi đây.

Theo Thúy Phượng/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...