Nghị quyết 30a: Thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững
Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ được tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp. Qua đó đã khơi dậy tính tự lực đối với người nghèo, xã nghèo vươn lên, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở 3 huyện nghèo của tỉnh là Mường Khương, Si Ma Cai và Bắc Hà.Nậm Chảy là xã biên giới của huyện Mường Khương gồm 6 dân tộc anh em sinh sống. Nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, người dân nơi đây đã có cuộc sống khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 10% - 12%. Trong năm 2016, xã có thêm 46 hộ thoát nghèo và hiện tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã là 67% (với 379 hộ). Chủ tịch UBND xã Nậm Chảy Tẩn Khái Phủ cho biết, cùng với xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, Nậm Chảy chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo, khoa học - kỹ thuật, cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đến người dân, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, nhằm giúp họ chuyển biến về ý thức, vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Bên cạnh đó, xã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cơ bản, như trạm y tế, đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nơi đây.
Nhiều hộ dân ở Mường Khương có thu nhập ổn định từ trồng chè. |
Theo chân cán bộ xã Nậm Chảy, chúng tôi đến thăm gia đình ông Giàng Cồ Lìn, thôn Gia Khâu A, một trong những hộ vươn lên thoát nghèo ở địa phương. Ông Lìn chia sẻ, nhà đông con (7 người con), lại thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên đói, nghèo đeo bám gia đình nhiều năm. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương cho vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả ở các xã, đến nay, gia đình đã trồng được 1.000 gốc chuối cấy mô, 3 ha sa nhân tím, 4 ha ngô, lúa; chăn nuôi từ 10 - 12 con lợn thịt, 3 con trâu. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ thoát nghèo, mà còn có sinh kế bền vững.
Gia đình ông Ly Sảo Chín ở thôn Cốc Ngù, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện giao đất canh tác, cán bộ khuyến nông động viên, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hiện gia đình ông vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá trong xã và bản thân ông còn trực tiếp giúp 4 hộ thoát nghèo trong năm 2016.
Nói về công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện, ông Hoàng Trung Giang, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, những năm qua, huyện đã triển khai lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả… Mường Khương đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa như chuối, dứa với gần 1.200 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Bản Lầu, Lùng Vai, Nậm Chảy; vùng chè gần 2.400 ha; vùng quýt gần 290 ha... Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh qua các năm, riêng năm 2016 giảm thêm 1.458 hộ nghèo (đạt tỷ lệ 12,36%). Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo sự tin tưởng, gắn bó của nhân dân với Đảng và chính quyền các cấp.
Nghị quyết 30a của Chính phủ được triển khai tại huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà đã và đang trở thành đòn bẩy giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Công Huy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Thực hiện Nghị quyết 30a, huyện tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng; đồng thời lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và một số chương trình khác đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, như hỗ trợ giao khoán, chăm sóc bảo vệ rừng; hỗ trợ giống, vật tư cho các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, thủy sản; hỗ trợ chính sách y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề… Cùng với đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Từ sự hỗ trợ đó, những năm qua, huyện Bắc Hà đã có thêm hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Diện mạo nông thôn vùng cao có nhiều khởi sắc. |
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, huyện Bắc Hà xác định tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ du lịch, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó là làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân để họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và thấy rằng, các chính sách ưu đãi của Nhà nước là cơ hội, đòn bẩy giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh, năm 2016, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh tiếp tục đạt kết quả cao. Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được tỉnh ưu tiên nguồn vốn và triển khai kịp thời, có hiệu quả, nhất là đầu tư hạ tầng nông thôn vùng khó khăn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất; khắc phục thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ y tế, giáo dục, an sinh xã hội… giúp người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tỷ lệ giảm nghèo năm 2016 của toàn tỉnh đạt 6,89% (bằng 138% kế hoạch), trong đó, tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo đạt trên 8%. Huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất là Si Ma Cai đạt 14,55% (với 912 hộ), Mường Khương đạt 12,36% (với 1.458 hộ), Bắc Hà đạt 8,41% (với 1.052 hộ).
Các chính sách của Nghị quyết 30a được triển khai thực hiện đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực ở 3 huyện nghèo của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện kinh tế cho người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao Lào Cai.