Ngành “công nghiệp không khói” đang “cất cánh”
Năm 2016, Lào Cai đón trên 2,77 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 32% so với năm 2015 (trong đó có gần 1 triệu lượt khách quốc tế), tổng doanh thu từ du lịch đạt 6.400 tỷ đồng (tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2015). Chỉ tính riêng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đã có tới gần 86.000 lượt du khách đến Lào Cai... Đó là những con số vui, khẳng định Lào Cai đang là điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.Nói đến địa danh du lịch hấp dẫn ở Lào Cai hiện nay không chỉ là “thành phố trong sương” Sa Pa, “cao nguyên trắng” Bắc Hà, mà còn là những phiên chợ vùng cao (Pha Long, Cốc Ly, Mường Hum, Cán Cấu...), hang động kỳ thú (Mường Vi, Hàm Rồng...), đền, chùa du lịch tâm linh (đền Thượng, đền Bảo Hà, đền Cô Tân An...); du lịch sinh thái (rừng nguyên sinh Y Tý, Nậm Tha; rừng gỗ nghiến Cốc Ly, hồ trên núi Séo Mý Tỷ, hồ Thủy điện Bắc Hà...), hay những homestay, du lịch bản làng của 9 huyện, thành phố. Có được kết quả này, nhiều năm nay, đảng bộ, chính quyền, các địa phương trong tỉnh luôn chỉ đạo, định hướng, có quyết sách đúng đắn, kịp thời và coi trọng phát triển ngành “công nghiệp không khói”.
Du khách nước ngoài tham quan chợ phiên Bắc Hà. |
Sự chỉ đạo đó được khẳng định qua kết quả thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, đẩy mạnh xúc tiến du lịch... của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện những chương trình, dự án phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, thế mạnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh vừa quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh. Quỹ có nhiệm vụ tiếp nhận và quản lý tài sản được tài trợ, viện trợ theo ủy quyền từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tạo nguồn vốn của Quỹ.
Cùng với đó, tỉnh đã và đang quan tâm chỉ đạo tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các khu tham quan, nghỉ dưỡng như: Sa Pa, Bắc Hà, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, Khu du lịch tâm linh đền Bảo Hà, Di tích lịch sử - văn hóa đền Thượng; hoàn thiện quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia Sa Pa, đô thị du lịch Sa Pa; xây dựng điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai; xây dựng tổng thể cụm du lịch Bắc Hà, Bát Xát; tăng cường phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên của từng địa phương; khai thác các di tích, di sản, danh thắng và phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng... Để có được những kết quả khả quan trong phát triển du lịch, bên cạnh những thuận lợi về tiềm năng, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, phải kể đến sự phát triển mở rộng của hệ thống giao thông, hạ tầng phục vụ du lịch... Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án Cáp treo Fansipan gắn với hệ thống di chỉ tâm linh tại Sa Pa; Dự án khách sạn 5 sao Aristo, khách sạn 4 sao Sapaly (tại thành phố Lào Cai), khách sạn 4 sao Amazing (tại Sa Pa), Dự án khu Resort Đông Dương hoàn thành… giúp lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng nhanh qua các năm. Đồng thời, việc thực hiện đa dạng hóa các loại hình du lịch trên cơ sở khai thác những tiềm năng tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng sức hút của du lịch Lào Cai đối với du khách trong nước và quốc tế.
Là một trong số những du khách nhiều lần đến Sa Pa, ông Nguyễn Quang Hà, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho biết: “4 năm trở lại đây, năm nào tôi cũng lên Sa Pa thăm và nghỉ dưỡng ít nhất 1 lần. Sự đổi thay về hạ tầng du lịch, giao thông thuận tiện, nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới xuất hiện… là lý do tôi luôn ưu ái, lựa chọn Sa Pa là điểm dừng chân”.
Trong thời gian tới, khi dự án Cảng Hàng không Lào Cai, đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi Sa Pa và nhiều dự án hạ tầng phục vụ du lịch khác hoàn thành, đặc biệt năm 2017, Năm Du lịch quốc gia Lào Cai - Tây Bắc sẽ giúp Lào Cai có thêm nhiều tiềm năng, vận hội mới để ngành “công nghiệp không khói” phát triển nhanh và bền vững./.