Nét độc đáo trong cách tính lịch của người Hà Nhì

Những ngày đầu năm mới, sương mù dày đặc khiến chặng đường lên Y Tý (Bát Xát) của chúng tôi gian nan hơn bởi những con dốc dài và hiểm trở. Khi tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu nét đặc sắc trong bộ lịch của đồng bào Hà Nhì, anh Tráng A Vù, cán bộ văn hóa xã đã dẫn tôi đến nhà ông Ly Seo Chơ, ở thôn Lao Chải.

Theo anh Vù, ông Chơ là người lớn tuổi duy nhất ở thôn còn hiểu rõ cách tính lịch của dân tộc Hà Nhì, vì người Hà Nhì không có chữ viết nên các phong tục, ngày lễ, tết hoặc cách tính lịch đều chỉ được truyền bằng miệng qua các thế hệ.

Vừa đến cổng, chúng tôi đã thấy ông Chơ đứng chờ ở ngoài cửa, ông bảo: “Nghe Vù gọi điện nói có người muốn tìm hiểu về lịch của người Hà Nhì, nên tôi ra đây đợi. Mời mọi người vào nhà chơi, tôi sẽ kể cho nghe!”. Bên ánh lửa bập bùng, nhâm nhi chén nước lá nóng, ông Chơ kể: Người Hà Nhì có cách tính lịch khác với người Kinh. Lịch không tính theo tuần mà theo mười hai con giáp, ngày khởi đầu là ngày Tuất và kết thúc bằng ngày Dậu. Đặc biệt, trong bộ lịch không có ngày Mão mà được thay thế bằng ngày Thỏ. Bởi theo những già làng trước kia thì Hổ và Mèo cùng chung một họ, nên người Hà Nhì chỉ dùng con Hổ trong bộ lịch của mình. Một năm không tính theo tháng mà tính thành bốn mùa, cứ ba tháng của người Kinh là một mùa của người Hà Nhì. Tất cả mọi việc, từ cúng tổ tiên, lễ, tết, hay các tập tục trong việc cưới, việc tang, lễ xuống đồng… đều dựa vào cách tính ngày tốt, xấu của lịch để làm.

Bản làng người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát).

Nghe ông Chơ kể chuyện, chúng tôi mới thấy dân tộc Hà Nhì có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc đến vậy. Nhiều phong tục như lễ cúng thần rừng Gà Ma Dó, Tết thiếu nhi, Tết Khô Già Già, Tết Gạ Tho Tho… đều theo lịch của người Hà Nhì để tổ chức. Ông Chơ nói: Nếu nhắc đến các lễ hội của người Hà Nhì, trước hết phải kể đến lễ Khô Già Già (lễ hội cầu mùa) bắt đầu từ ngày Dần đầu tiên của tháng 6 trong lịch người Hà Nhì. Lễ hội diễn ra trong 4 ngày (ngày Thìn, ngày Tỵ, ngày Ngọ, ngày Mùi), ngày Thìn tế ruộng, ngày Tỵ mổ trâu dâng các vị thần để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống dân bản được ấm no. Ngoài tết tháng 6, người Hà Nhì còn ăn Tết Gạ Tho Tho, diễn ra trước Tết Nguyên đán của người Kinh khoảng 2 tháng. Việc ăn Tết này không ấn định ngày cụ thể mà tùy thuộc vào các già làng, trưởng bản bàn bạc rồi đi đến thống nhất. Tết diễn ra trong một tuần, tuy nhiên bắt buộc phải tổ chức buổi lễ đầu tiên vào ngày Tỵ. Còn Tết Nguyên đán của người Kinh thì được người Hà Nhì coi là tết ăn chơi. Đến ngày Thìn tháng Giêng, cả bản nô nức tổ chức lễ cúng rừng già Gà Ma Dó để tạ ơn thần rừng, sau đó tổ chức tết cho thiếu nhi… Mỗi lễ, tết của người Hà Nhì dù mang những nét đặc sắc riêng nhưng đều có điểm chung là để người dân quây quần bên nhau sau những ngày tháng lao động vất vả.

Hôn nhân của người Hà Nhì cũng được dựa trên cách tính ngày tốt, xấu của lịch. Cưới phải chọn ngày lành tháng tốt, tránh vào các ngày giỗ của người đã mất, ngày sinh của bố mẹ và các anh chị bên nhà gái. Đặc biệt, ngày cưới không được trùng với ngày Thìn và ngày Tỵ, vì theo quan niệm của người Hà Nhì, cả hai ngày này đều là ngày thiêng. Ngày Thìn là ngày tốt, còn ngày Tỵ là ngày sinh của cả làng.

Về tín ngưỡng thờ cúng, người Hà Nhì sẽ chọn ba ngày đẹp là ngày Thìn, Tỵ và Dậu để cúng tổ tiên, không được cúng bái vào hai ngày Dần và Thân, bởi đây là hai ngày xấu. Nếu cúng tổ tiên vào hai ngày này thì hổ sẽ về bắt trâu, bò và khỉ thì sẽ phá hoại ngô, lúa của dân bản. Ngoài ra, không được chôn cất người chết vào ngày Dần, Tỵ, Thìn, Thân, Hợi và những ngày trùng với giờ tắt thở, phải chôn cất vào ngày Dậu, Tuất. Nhưng trong mùa đông thì hai ngày Tuất, Dậu không được thực hiện nghi lễ chôn cất người chết.

Qua lời giải thích của ông Chơ, tôi hiểu rằng muốn tìm hiểu về phong tục, tập quán, nét văn hóa của người Hà Nhì thì một ngày không thể đủ, nhưng tôi vẫn phải nói lời tạm biệt ông - một trong những người đang cố gắng lưu giữ văn hóa của dân tộc mình. Rời Y Tý, trong tôi canh cánh suy tư về những điều ông Chơ nói: “Liệu rằng mười, hai mươi năm nữa, có còn người ngồi kể được cách tính lịch của người Hà Nhì?”…

Theo Kiều Thu/LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...