Lào Cai bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch
Tháng 12, cái rét của mùa đông vùng cao bao phủ lên những tràn ruộng bậc thang sau mùa gặt, màn sương mù dày đặc phủ khắp bản làng người Xa Phó. Ngược dốc quanh co, vượt qua đoạn đường gập ghềnh, chúng tôi đến Nậm Kéng, thôn người Xa Phó của xã Nậm Sài (huyện Sa Pa), “thủ phủ” của nghề thêu tay thổ cẩm truyền thống đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể năm 2014…Hơn 60 nóc nhà quần tụ, người Xa Phó ở bản Nậm Kéng cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn bản sắc, nghề truyền thống. Những năm gần đây, du khách đến Sa Pa rất muốn đến Nậm Sài để được tận mắt trải nghiệm cuộc sống thường nhật của đồng bào dân tộc Xa Phó với nhiều phong tục truyền thống còn được gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay. Cũng như các dân tộc anh em sinh sống ở rẻo cao, người Xa Phó ở Nậm Kéng có cả kho tàng văn hóa độc đáo, nhưng họ đã biết gìn giữ, bảo tồn và phát huy để làm du lịch cộng đồng…
Sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Xa Phó được khách du lịch ưa chuộng. |
Nhắc đến người Xa Phó, là nhắc đến những phong tục, nghi lễ và các món ăn lạ trong lễ cưới. Nam, nữ Xa Phó ở Nậm Kéng biết hát giao duyên trong ngày hội của bản; vẫn giữ được các phong tục như, ăn mừng cơm mới, lễ hội quét làng đầu xuân. Tất cả những nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa, đời sống của đồng bào Xa Phó đã làm nên sức hấp dẫn du lịch trong hành trình khám phá những miền đất có nhiều mới lạ…
Người Xa Phó ở Nậm Kéng có cơ hội mở cánh cửa vươn ra thị trường thế giới khi chính những tinh hoa từ bàn tay khéo léo, nghề thêu tay thổ cẩm và những hoa văn độc đáo đã làm nên di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cũng chính điều này đã mang về cho người Xa Phó cuộc sống mới, bởi những sản phẩm thổ cẩm không chỉ là truyền thống làm váy áo, không chỉ bó buộc trong bản Nậm Kéng yên bình, mà đã theo chân khách du lịch đi muôn ngả, chu du tận trời Âu.
Năm qua, Câu lạc bộ thổ cẩm phụ nữ Xa Phó, xã Nậm Sài đã thêu tay được hàng nghìn sản phẩm với 15 mẫu xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Úc và Nhật Bản. Từ sự hỗ trợ của Tổ chức Craflink, Câu lạc bộ thổ cẩm đã tạo việc làm cho gần 40 thành viên là phụ nữ người Xa Phó tại địa phương. Bình quân, mỗi chị em vào những ngày nông nhàn có thêm khoản thu nhập gần khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào sản phẩm bán cho du khách.
Điều mà phụ nữ Xa Phó Nậm Kéng luôn hào hứng, phấn khởi là hầu hết chị em khi tham gia Câu lạc bộ thổ cẩm đều được đào tạo nâng cao tay nghề thêu, may, thiết kế mẫu thổ cẩm phù hợp với khách hàng, nhất là tạo ra các sản phẩm tiêu dùng, lưu niệm độc đáo dựa trên chất liệu thổ cẩm truyền thống. Không chỉ có vậy, năm nào Câu lạc bộ cũng tổ chức cho các thành viên tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá các mặt hàng sản phẩm tại Hà Nội, các hội chợ quốc tế… Tự tay làm ra sản phẩm, các chị em còn được tự mình đưa sản phẩm mang bản sắc dân tộc mình đi đến những nơi mà nhi���u năm trước đây, chưa bao giờ phụ nữ Xa Phó dám mơ ước tới.
Vừa trở về từ thủ đô Hà Nội, chị Lý Thị Ngay, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm Xa Phó cho biết: Sản phẩm thổ cẩm vừa mang đi hội chợ ở Hà Nội đã bán hết rồi, không còn nữa, giờ đây chị em trong câu lạc bộ lại bắt tay vào làm ra các sản phẩm mới mới kịp phục vụ cho khách du lịch. Bởi, du khách đến Sa Pa nếu về Nậm Kéng đều rất thích chọn mua các sản phẩm thổ cẩm của chị em Xa Phó. Điều này như tiếp thêm động lực để chị em có nhiều cơ hội phát triển kinh tế từ chính nghề truyền thống của dân tộc mình; càng thêm nhiều ý tưởng sáng tạo mới trong các sản phẩm thổ cẩm…
Đứng trong ngôi nhà do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các tổ chức hỗ trợ để chị em Xa Phó có chỗ bán hàng thổ cẩm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi những đoàn khách đến đây đều thích thú với thổ cẩm thêu tay truyền thống. Những chiếc vòng tay cách điệu bởi nét hoa văn thổ cẩm độc đáo, những chiếc vỏ gối, những chiếc băng đô… đều mang vẻ đẹp rất riêng, tạo sự khác biệt của thổ cẩm Xa Phó.
Chị Đỗ Ngọc Linh, du khách đến từ Hà Nội đang chọn mua chiếc vỏ gối thổ cẩm, dừng tay nói với chúng tôi: Thực sự các sản phẩm thổ cẩm ở đây đã tạo cho tôi sức cuốn hút và ấn tượng ngay từ phút đầu tiên. Hoa văn mang đậm bản sắc, nhưng biết kết hợp yếu tố thiết kế trên các sản phẩm hiện đại, nên có tính năng sử dụng phù hợp trong cuộc sống thường ngày rất cao. Do đó, không chỉ riêng tôi, nhiều bạn bè đã từng đến đây trước tôi cũng đã đánh giá cao về các sản phẩm thủ công của người Xa Phó ở đây.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu của Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thì trên váy áo truyền thống của phụ nữ Xa Phó có nhiều kiểu hoa văn khác nhau, được trang trí rất cầu kỳ. Chính điều đặc biệt này đã khiến những sản phẩm ở đây trở thành di sản văn hóa, đang được bà con Nậm Kéng bảo tồn, gìn giữ và phát triển hiệu quả. Thổ cẩm Xa Phó có khoảng 30 mẫu hoa văn, chủ yếu minh họa những hiện thực cuộc sống đời thường như hình cây thông, sóng nước, răng cưa, quả trám, hay các hình tam giác xếp chéo nhau. Mẫu hoa văn ở tay áo thường có hình mắt gà lôi, nhện, cua, cây dương xỉ, kỷ hà. Chị Lý Thị Ngay cho biết thêm: Bà con thôn Nậm Kéng đang khôi phục trồng cây cườm, trồng lanh dệt vải để giữ đúng nguyên bản các hoa văn thổ cẩm truyền thống. Du khách nước ngoài yêu thích sản phẩm thổ cẩm Xa Phó bởi đều được làm từ chất liệu tự nhiên…
Rời Nậm Kéng, chúng tôi bắt gặp rất nhiều chuyến xe chở khách du lịch đi ngược chiều đang nối nhau về bản. Một ngày thăm bản Nậm Kéng, tìm hiểu về văn hóa và làng nghề thổ cẩm truyền thống, tuy chưa nhiều, nhưng cũng đủ cho chúng tôi hiểu vì sao, bản Nậm Kéng đang có sức hấp dẫn với nhiều du khách khi đến Lào Cai.