Gìn giữ cho muôn đời sau
Lào Cai hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước về di sản văn hóa phi vật cấp quốc gia, với 19 di sản đã được công nhận. Thành quả ấy ghi nhận nỗ lực của những người làm di sản, góp phần quan trọng để bảo tồn, tôn vinh các di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số Lào Cai, gìn giữ cho muôn đời sau.Lễ hội Gàu Tào của người Mông.
Mới đây, Lễ hội Xuân Đền Thượng (thành phố Lào Cai) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là một trong ba di sản văn hóa phi vật thể được công nhận trong năm 2016, trong đó có Lễ hội Đền Bảo Hà (Bảo Yên) và Lễ cúng rừng “Mủ Đẳng Mai” của dân tộc Thu Lao. Ông Lê Xuân Hân, Trưởng Ban Quản lý Di tích văn hóa và Du lịch thành phố Lào Cai cho biết: Lễ hội Đền Thượng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong bảo tồn những nét đẹp văn hóa Việt; không chỉ là điểm đến tâm linh trong tua, tuyến du lịch tại thành phố Lào Cai, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị nhân văn sâu sắc, lưu truyền cho muôn đời sau. Lễ hội được khôi phục và duy trì tổ chức thường niên, liên tục 20 năm qua.
Trước đây, hầu hết các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai ban đầu chỉ mang quy mô của cộng đồng hay một dòng họ, gia đình là chính, do đó những nghi lễ, nghề truyền thống dần bị mai một. Bởi vậy, đặt ra yêu cầu những người làm di sản văn hóa phải thực hiện khôi phục và tham mưu cho ngành về công tác bảo tồn, phát triển. Năm 2009, Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đó. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Các di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, nhờ công tác quản lý di sản, những di sản đã được phục dựng, bảo tồn và phát huy, vượt ra ngoài không gian văn hóa của một cộng đồng. Đơn cử như Tết “Sử Giề Pà” (còn gọi là Tết tháng Tư) đã được khôi phục lại đúng nguyên gốc của một lễ hội truyền thống của người Bố Y. Năm 2014, Tết “Sử Giề Pà” được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từ đó, quy mô không gian văn hóa được mở rộng, có sự giao lưu bản sắc văn hóa giữa các dân tộc.
Hiện nay, trong 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có 1 di sản đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại, đó là trò chơi kéo co truyền thống của đồng bào Tày - Giáy ở Lào Cai, trở thành di sản mang tính đa quốc gia. Còn lại di sản nghi lễ Then của người Tày cũng đang hoàn thiện bộ hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa nhân loại. Không chỉ tôn vinh các di sản văn hóa, việc những di sản được công nhận còn có giá trị du lịch “biến di sản thành tài sản”, có ý nghĩa trong công tác bảo tồn, gìn giữ cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, các cấp chính địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa trong công tác bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa phi vật thể; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia, duy trì tổ chức theo đúng bản sắc; đồng thời tôn vinh những người làm công tác di sản.
Những người “nhặt ngọc”
Để có được những di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và tôn vinh, là cả quá trình dày công sưu tầm và bảo tồn của những người làm di sản. Được ví như những người “nhặt ngọc” lặng thầm. Công việc chính của người làm di sản là ghi chép, ghi âm, ghi hình, lập bản đồ phân bố các nghi lễ, lễ tết, lễ hội, nghề truyền thống… chắp nối các tư liệu dựa trên các nghiên cứu mang tính khoa học, lịch sử. Bởi hầu hết các phong tục, lễ hội đều được truyền miệng trong dân gian qua nhiều đời, nếu có ghi chép cũng rất ít, rất dễ bị “tam sao thất bản”, đòi hỏi người làm công tác sưu tầm phải có trình độ chuyên môn, có hiểu biết khoa học và am hiểu vốn văn hóa của từng dân tộc. Để hoàn thiện một hồ sơ di sản những người làm di sản phải đi cơ sở 1 tuần, hoặc 9 - 10 ngày, thậm chí có những chuyến đi phải mất 15 - 20 ngày để tìm lại tư liệu, chứng cứ lịch sử.
Cùng với hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận, nhiều cán bộ làm công tác di sản đã đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận, như các giải thưởng về văn học - nghệ thuật: Nghi lễ tang ma của người Hà Nhì ở Lào Cai (Dương Tuấn Nghĩa - giải B); Tri thức dân gian bảo vệ rừng thiêng, rừng đầu nguồn của người Thu Lao (Nguyễn Hùng Mạnh - giải B); Tri thức dân gian về cúng chữa bệnh cho phụ nữ và trẻ em của người Dao Tuyển ở Lào Cai (Nguyễn Thị Minh Tú - giải C)… Đặc biệt, từ công tác sưu tầm, bảo tồn, mỗi năm Phòng Di sản văn hóa và các cộng tác viên nghệ nhân ở cơ sở đã thực hiện xuất bản 5 - 6 đầu sách có giá trị, phục vụ công tác tra cứu, tư liệu văn hóa. Từ năm 2010 đến nay có 40 đầu sách về di sản văn hóa, phong tục lễ hội, bản sắc các dân tộc tỉnh Lào Cai được xuất bản.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Phó Phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), người đã công tác và gắn bó lâu năm với công tác bảo tồn di sản chia sẻ: Thời gian đầu, khi giao thông còn khó khăn, những người làm di sản mỗi lần đi cơ sở phải nếm trải biết bao vất vả, vì điều kiện sinh hoạt ở các thôn, bản thiếu thốn và phải ở lại nhà dân dài ngày. Sau mỗi chuyến đi, tôi cũng như anh em trong phòng cứ nghĩ đến tiếp chặng đường mới là thấy nản, nhiều khi muốn bỏ nghề. Nhưng quá trình đi tìm hiểu, tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số, thấu hiểu được ý nghĩa quan trọng của công việc mình đang làm, dần dần yêu thích và đam mê. Đặc biệt, mỗi công trình sưu tầm, ghi chép, phục dựng thành công, được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia thêm động lực, động viên, khích lệ những người làm công tác di sản tiếp tục sự nghiệp của mình./.