Cộng đồng Việt Nam học: Cầu nối Việt Nam và thế giới
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cám ơn các nhà khoa học quốc tế nghiên cứu về Việt Nam luôn tâm huyết
coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ảnh: VGP/Đình Nam
Sáng 15/12, Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu” đã khai mạc tại Hà Nội với sự tham gia của gần 1.000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước hào hùng và nền văn hiến đặc sắc do bao thế hệ cha anh trao truyền lại bằng trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương.
Đây chính là cội nguồn sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua rất nhiều chặng đường khó khăn, đầy gian lao, thử thách, thiên tai, địch họa; và luôn luôn nuôi dưỡng khát vọng “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” – như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người Việt Nam, văn hóa Việt Nam luôn gắn với sức sáng tạo, tinh thần cởi mở, cầu thị và đặc biệt với một tấm lòng chân thành, nhân ái để giao lưu, tiếp thu với dân tộc khác, hòa đồng với dòng chảy văn minh nhân loại nhưng vẫn giữ được nét riêng có của mình.
Điều này càng thêm ý nghĩa khi sự giao lưu giữa Việt Nam và thế giới “nhộn nhịp hơn bao giờ hết” với tốc độ phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet làm cho các dân tộc gần lại, thế giới nhỏ lại; mỗi năm có nhiều triệu lượt người nước ngoài đến Việt Nam, khoảng hơn 5 triệu người Việt Nam ra nước ngoài.
Theo Phó Thủ tướng, những năm qua, cùng với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của người dân Việt Nam, thì sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nhà khoa học đã góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành tựu toàn diện về kinh tế-xã hội. Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới trong suốt 20 năm và dành phần lớn kết quả tăng trưởng cho con người, đặc biệt là những người yếu thế. Chỉ số bất bình đẳng thu nhập (Chỉ số GINI) của Việt Nam thấp hơn nhiều nước, kể cả là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao hơn.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) và trong cam kết, công tác chuẩn bị thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc.
“Những nghiên cứu, đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học, trong đó có các nhà Việt Nam học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học cho Đảng, Nhà nước hoạch định, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Đồng thời mỗi nhà khoa học và từng sự kiện như Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần này còn là nhịp cầu nối rất quan trọng giữa Việt Nam với thế giới, làm cho thế giới nhìn nhận, đánh giá Việt Nam tường tận, chính xác hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi với các nhà khoa học, Phó Thủ tướng cho biết, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước đang phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập và nền kinh tế thị trường.
Đó là tình trạng kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục…
Trong xã hội có không ít những biểu hiện mai một, thậm chí là lệch lạc về văn hóa; lối sống vị kỷ, lai căng, chạy theo lợi ích vật chất... và những tiêu cực này tác động đến nhiều mặt, nhiều tầng nấc trong xã hội.
Điều đáng quan ngại hơn cả là đạo đức xã hội sẽ bị xói mòn. Lòng tin vào những điều tốt đẹp bị lung lay bởi những lợi ích vật chất. Những giá trị truyền thống tốt đẹp bị che mờ bởi những đòi hỏi mang nhiều tính bản năng của con người. Lòng nhân ái, tình cảm yêu thương bị lấn át bởi ganh đua danh lợi…
Trên thế giới những nguy cơ xung đột tiềm ẩn về chủ quyền, lãnh thổ, tôn giáo cùng các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, bệnh dịch… đòi hỏi tất cả các dân tộc phải chung tay giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích của nhau và tôn trọng văn hóa của nhau.
Bởi tất cả mọi sự áp đặt, nhất là áp đặt về văn hóa không thể giải quyết được căn gốc của những bất đồng, của những tranh chấp thậm chí còn làm phát sinh những bất đồng, tranh chấp mới.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5-2016 có sự tham dự của gần 1.000 nhà khoa học
đến từ 36 nước và vùng lãnh thổ. Ảnh: VGP/Đình Nam
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa thêm một mức trong thực hiện mục tiêu phát triển Việt Nam ”dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân là làm sao dân tộc được độc lập và mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc.
Khẳng định mục tiêu phát triển của Việt Nam phù hợp với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 tiêu chí cụ thể của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, thách thức đặt ra đối với Việt Nam là phải phát triển với tốc độ nhanh nhất có thể nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước nhưng quan trọng hơn là phải bền vững. Phát triển đáp ứng được những yêu cầu ngày hôm nay nhưng không để các thế hệ mai sau vất vả giải quyết những hậu quả tiêu cực do chính sách phát triển không bền vững của hôm nay gây ra.
Muốn thực hiện được điều đó, rất cần đến những luận cứ khoa học, các đánh giá, các khuyến nghị có tính khoa học của các nhà khoa học để giải quyết những vấn đề có tính cốt lõi, nền tảng cũng như những vấn đề mang tính thời sự, chiến lược như tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ tập trung đầu tư vào con người, phát huy cá nhân sáng tạo, đổi mới hệ thống sáng tạo của đất nước, tận dụng được những lợi thế của khoa học công nghệ, giao lưu văn hóa, biến đổi khí hậu... Làm được như vậy, theo Phó Thủ tướng, dù Việt Nam có thể không giàu về vật chất như nhiều nền kinh tế nhưng sẽ giàu về văn hóa, người dân được hạnh phúc, là nơi đáng sống.
“Với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và chủ đề: “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu", Hội thảo lần này sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị rất hữu ích, rất thiết thực cho công tác hoạch định, và tổ chức chính sách của Việt Nam”, Phó Thủ tướng tin tưởng và mong muốn Cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế tiếp tục là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam với thế giới không chỉ về khoa học mà còn giữa người Việt Nam với các dân tộc trên thế giới.
Bên cạnh các công trình khoa học, các nhà Việt Nam học trong nước và quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, giúp đỡ để cho các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức ở Việt Nam đem văn hóa, hình ảnh Việt Nam, hoạt động nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Ngay sau phiên khai mạc, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã thảo luận về 6 nhóm lĩnh vực: Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế và sinh kế; biến đổi khí hậu.
Phiên bế mạc hội thảo sẽ được tổ chức vào chiều 16/12. Kết quả của hội thảo sẽ được bàn giao cho các bộ, ban, ngành có liên quan, đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển quốc gia.