Để sản xuất nông sản sát tín hiệu thị trường
Câu chuyện từ một thông tư
Mới đây, trong cuộc đối thoại của Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) với đại diện các DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đã có nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hiện nay tại Việt Nam.
VietGAP (cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”, do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.
Các DN sản xuất cho rằng việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP do Bộ NN&PTNT ban hành quá phức tạp, quá nhiều điểm phải giám sát, ghi chép, không hợp với nông dân Việt Nam nên cũng đề nghị Cục Trồng trọt sửa đổi để VietGAP sát với thực tế hơn.
Về các ý kiến này, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt lý giải: “Tôi khẳng định VietGAP không phải là tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc. Đây được coi là một công cụ để sản xuất các sản phẩm trồng trọt an toàn chứ không phải con đường duy nhất để có được rau, quả sạch”.
Tuy vậy, các DN vẫn dẫn Thông tư 59/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý sản xuất rau, quả và chè an toàn là: “Thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với rau, quả trong sản xuất do Bộ NN&PTNT ban hành hoặc theo quy trình kỹ thuật sản xuất rau, quả an toàn được sở NN&PTNT phê duyệt hoặc theo các quy định liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm trong VietGAP hoặc các GAP khác”.
DN cho rằng hiện muốn bán được hàng nông sản sạch với giá tương ứng với điều kiện sản xuất thì phải có chứng nhận VietGAP, nên dù Bộ không bắt buộc nhưng vô hình trung, vì điều kiện của Thông tư này nên các siêu thị hoặc đơn vị thu mua đều bắt “trình” chứng nhận VietGAP thì mới công nhận rau, quả sạch.
Ông Sơn một lần nữa khẳng định: Chỉ có quy chuẩn kỹ thuật là các điều kiện bắt buộc, còn tiêu chuẩn chất lượng là những hệ thống để người sản xuất có thể làm theo và là con đường chắc chắn nhất để có nông sản sạch. “Không thể nói áp dụng xong VietGAP là đáp ứng mọi tiêu chuẩn kỹ thuật bởi vì cuối cùng, yêu cầu của người tiêu dùng là sản phẩm có chất lượng như thế nào, chứ người tiêu dùng không đi cùng người sản xuất ra tận ngoài đồng xem anh áp dụng VietGAP hay cái gì để ra được sản phẩm”, ông Sơn phân tích.
Cần chính sách rõ ràng để thúc đẩy DN
Tuy lý giải những điều DN còn chưa rõ về Thông tư nêu trên nhưng ông Sơn cũng công nhận: “Hiện nay, câu chữ của nhiều thông tư quy định còn nửa vời. Đã là quy định bắt buộc thì chỉ có một, không thể hoặc quy chuẩn này hoặc quy chuẩn kia. Hiện Cục Trồng trọt cũng đang rà soát một loạt văn bản quy định về sản xuất để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của người dân và DN”.
Nhân tố quan trọng nhất để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bắt kịp với tín hiệu của thị trường chính là DN. Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Không ai hiểu thị trường bằng DN. Đã làm ăn chuyên nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường thì DN phải chuyên nghiệp hóa mới có thể trụ vững được. Vì vậy, doanh nghiệp phải học từng ngày, học để hiểu thị trường, hiểu nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao hơn nữa. Một khi hiểu rõ thị trường, DN mới có thể quay lại hướng dẫn nông dân sản xuất đúng chuẩn. Ngoài ra, DN còn đảm nhận vai trò giám sát chất lượng sản phẩm nữa. Nếu không có DN làm cầu nối thì nông dân bơ vơ vô cùng, bơ vơ trong sản xuất, bơ vơ trong tiêu thụ”.
Tuy nhiên, để thúc đẩy được DN thì chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp cũng cần có sự rõ ràng, nhất quán hơn.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc...) đang tìm hiểu cơ hội và mong muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với những nông sản chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường. Song, họ rất ngại phải liên kết với người nông dân, vì tính kỷ luật trong sản xuất nông nghiệp của người dân không cao. Trong khi đó, nhiều chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp chưa rõ ràng, thiếu đồng bộ và rất khó áp dụng như Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nghị định này quy định các doanh nghiệp muốn hưởng chính sách hỗ trợ, ngoài việc đầu tư vào vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn, danh mục ưu đãi đầu tư, thì phải sử dụng ít nhất 60% nguyên liệu, 30% lao động tại địa phương...
Thực tế hiện nay, nhiều nông sản trong nước vẫn đang bị đặt trong vòng nghi ngờ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Có thể nông sản ngon đấy, thơm đấy nhưng không sạch thì không ai dám mua. Bên cạnh đó, những sản phẩm nhập từ nước ngoài với nguồn gốc rất mập mờ bị đánh tráo là nông sản Việt khiến người tiêu dùng rất e ngại khi nhắc tới tên gọi nông sản Việt... Nông sản Việt đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề từ chất lượng cho tới thị trường. Những áp lực này chỉ có thể được giải tỏa khi người sản xuất và DN cùng quyết tâm đưa ra những sản phẩm có chất lượng. Muốn như vậy, các khuôn khổ pháp lý và chính sách không chỉ có tư duy “quản lý” mà phải chuyển sang tư duy “thúc đẩy” để nông sản Việt Nam thực sự an toàn.