Rộn ràng chợ phiên Cán Cấu

Dù không được xây dựng khang trang như ở Sa Pa, Bắc Hà, nhưng chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai) lại thu hút khách thập phương bởi sắc màu văn hóa của đồng bào dân tộc Mông nơi vùng cao miền biên viễn Lào Cai.

Toàn cảnh chợ  Cán Cấu

Nằm ngay dưới chân con dốc quanh co, nhìn từ trên cao xuống, chợ Cán Cấu rực rỡ muôn vàn sắc màu trang phục của những thiếu nữ người Mông trên miền sơn cước. Bao quanh chợ là những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi, tạo nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp. Chợ phiên Cán Cấu họp trên một bãi đất nhỏ thuộc xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, cách thành phố Lào Cai khoảng 80 km. Tuy chỉ là phiên chợ nhỏ, với những lều tạm, những gian hàng chỉ được dựng lên vào ngày họp chợ, nhưng chợ lại làm say lòng du khách bởi tính hoang sơ, dân dã của đất và người Cán Cấu. 

Rất đông người dân xuống chợ mua sắm đồ.

Chợ họp vào thứ bảy hàng tuần, là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của người Mông, Dao, Tày các xã Cán Cấu, Lửu Thẩn (Si Ma Cai) và Lùng Phình (Bắc Hà). Bà con đến chợ mang theo đủ thứ hàng nông thổ sản, nào là ngô, ớt, lạc, mía, sắn, chè shan, hoa quả, mật ong, rượu, trang phục thổ cẩm, đồ trang sức bạc những thứ hàng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người vùng cao. Đây đó, những thanh niên từ các bản vùng cao xuống chợ dắt theo những con ngựa, trâu, lợn... càng làm cho hoạt động trao đổi hàng hóa nơi đây thêm phần nhộn nhịp. Không chỉ đến để mua bán, người dân các xã xung quanh xuống chợ, chơi chợ như một thú vui vào mỗi dịp cuối tuần. 

Chợ Cán Cấu có nhiều khu, mỗi khu bày bán những mặt hàng đặc trưng khác nhau, từ rau quả, thảo dược, gia vị, đồ dùng gia đình... nhưng đặc trưng nhất có lẽ là khu vực bán gia súc. Người dân Si Ma Cai chủ yếu dùng gia súc tốt để phục vụ nông nghiệp, những con gia súc đem đi bán phải là những con khỏe nhất, béo nhất. Đây có lẽ cũng là khu vực náo nhiệt nhất và được nhiều người quan tâm nhất và thu hút nhiều người không kém là khu ẩm thực. Đây là nơi những người ở các bản xa gặp gỡ, cùng nhau thưởng thức thắng cố - đặc sản của đồng bào Mông nơi đây. Và trong không khí náo nhiệt, du khách dừng chân, thưởng thức bát thắng cố nóng hôi hổi, thơm thơm mùi lá chanh, ngòn ngọt vị xương ngựa và nhâm nhi chén rượu ngô đậm đà, cay cay và cùng tận hưởng không khí rộn ràng, náo nhiệt của chợ... 

Đến chợ Cán Cấu, du khách đừng quên ghé thăm khu chợ chim. Ở đây, có rất nhiều loài chim được đồng bào mang bán như họa mi, ngũ sắc, quế lâm, khướu… Mỗi loài mang một nét đẹp riêng, có những loài được người chơi thích vì có bộ lông đẹp mượt mà như hoàng yến, thanh tước, hồng tước, yến phụng, chích chòe lửa... cũng có những loài chim được lựa chọn bởi có tiếng hót hay như chào mào, khướu, họa mi… 

Với những nét văn hóa độc đáo của mình, chợ Cán Cấu không chỉ hấp dẫn người bản địa, mà những du khách đều bị hút hồn bởi sắc màu rực rỡ của những bộ váy, áo truyền thống của thiếu nữ dân tộc Mông, những gian hàng bán thổ cẩm, họ cũng bị cuốn hút bởi sự náo nhiệt của những hàng thắng cố đông đúc, nhộn nhịp… 

Bài và ảnh: Đặng Ngọc Luyến (Theo baotintuc.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai