Trong bài phát biểu được ông Bob Orr, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đọc tại cuộc đối thoại cấp cao giữa các bộ trưởng về tài chính khí hậu trong khuôn khổ COP22, ông Ban Ki-moon nêu rõ tài chính và đầu tư là chìa khóa thành công của các xã hội có khả năng thích ứng và phát thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh một trong số những mục tiêu của Thỏa thuận Paris về khí hậu, có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, là khiến tất cả các dòng tài chính phù hợp với việc phát triển lượng khí thải nhà kính thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ông lưu ý đã có nhiều tiến bộ đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là về năng lượng tái tạo. "Chúng ta sẽ đầu tư 90.000 tỷ USD cho các cơ sở hạ tầng toàn cầu trong khoảng 15 năm tới. Việc làm này sẽ không tốn kém nhiều hơn so với việc bảo đảm rằng các cơ sở hạ tầng này cung cấp nền kinh tế thích ứng với lượng khí thải thấp như được đề ra trong Thỏa thuận Paris" – ông nói thêm.
Tổng thư ký Liên hợp quốc một lần nữa nhắc lại rằng tại Paris cách đây một năm, các chính phủ đã tái khẳng định cam kết hồi năm 2009 là huy động 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 và tiếp tục tài trợ ở mức đó cho tới năm 2025 để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước đang phát triển. Theo ông Ban Ki-moon, "mục tiêu này nằm trong tầm tay nếu chúng ta vẫn tiếp tục huy động".
Thêm vào đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim cũng nêu rõ WB sẽ làm hết sức mình để “huy động tài chính nhiều nhất có thể” cho khí hậu. “Đó không chỉ là cố gắng để thuyết phục các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính đưa thêm tiền, mà chúng tôi còn chắc chắn cố gắng để làm điều đó, cũng như tạo ra một môi trường tạo kinh phí nhiều hơn nữa. Mặc dù chúng ta có 100 tỷ USD mà chúng ta đang nói đến, song nó không đủ để đạt được mục tiêu" – ông đánh giá.
Theo Ngân hàng Thế giới, một ưu tiên khác là “làm xanh” lĩnh vực tài chính. Ông Kim cho biết WB đang cố gắng tìm cách để cải thiện theo hướng lĩnh vực ngân hàng hiểu và đánh giá các rủi ro liên quan đến các khoản đầu tư thông minh về khí hậu.
Còn theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, đầu tư tài chính có vai trò thiết yếu nhằm tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi. Để thúc đẩy các nỗ lực trong vấn đề này, năm 2015, ông Ban Ki-moon đã phát động sáng kiến A2R với mục tiêu cụ thể nhằm tăng cường nỗ lực để cung cấp bảo hiểm chống rủi ro khí hậu, hợp tác chặt chẽ với lĩnh vực bảo hiểm.
Ngoài ra, bên lề COP22, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các quốc gia châu Phi do Vua Mohammed VI của Morocco tổ chức.
Trong một bài phát biểu được đọc trước hội nghị, ông Ban đã nhắc nhở các đại biểu tham dự rằng châu Phi đang ở vị trí hàng đầu về biến đổi khí hậu. "So với mức trung bình của thế giới, sự gia tăng nhiệt độ ở châu lục này cao hơn nhiều. Trong số 50 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu nước, 36 nước nằm ở châu Phi" – ông lưu ý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn này, nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc nhấn mạnh đã thấy nhiều giải pháp khí hậu ở châu Phi. Ca ngợi tinh thần quan sát thấy trên khắp châu Phi, đặc biệt là trong giới trẻ, ông Ban Ki-moon đánh giá “châu lục này rất năng động”. "Châu Phi có tiềm năng rất lớn để trở thành một nhà lãnh đạo thế giới trong các nguồn năng lượng tái tạo. Châu lục này có nguồn tài nguyên rộng lớn về năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt" – ông nói thêm, đồng thời kêu gọi "các đối tác từ những quốc gia phát triển và đang phát triển đẩy mạnh đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật"./.