Kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện Si Ma Cai (15/11/1966 - 15/11/2016): Tự tin, vững bước trên chặng đường phát triển mới
Ngày 15/11/1966, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 196 chia tách huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai thành hai huyện mới là Bắc Hà và Si Ma Cai. Huyện Si Ma Cai được thành lập với diện tích tự nhiên 234,92 km², trung tâm huyện đóng tại xã Si Ma Cai, cách thị xã tỉnh lỵ Lào Cai 100 km. Toàn huyện có 17 xã, trong đó có 3 xã biên giới (Nàn Cảng, Dào Dần Sán, Hố Mù Chải), với 9,2 km đường biên; 15 dân tộc cùng chung sống với trên 10.000 nhân khẩu. Với khí thế của huyện mới, các phong trào cách mạng của địa phương tiếp tục được củng cố, phát triển. Năm 1970, toàn huyện có 59 HTX, thu hút trên 1.000 hộ tham gia; các xã đều có HTX mua bán. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng của huyện từng bước được xây dựng. Năm 1970, tuyến đường Bắc Hà - Lùng Phìn - Si Ma Cai chính thức thông xe. Tiếp đó, đường dây thông tin hữu tuyến thông suốt; trung tâm huyện có máy phát điện; cửa hàng thương nghiệp cung cấp dầu, muối và nhu yếu phẩm cho đồng bào. Chợ Xín Ma Cái - chợ ngựa truyền thống được quy hoạch; bệnh viện huyện có 3 bác sỹ, cơ bản trạm y tế các xã đã có y sỹ hoặc nữ hộ sinh. 17/17 xã có trường cấp 1, riêng xã Si Ma Cai có trường cấp 2 hoàn chỉnh. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, hầu hết các xã đã có đủ đảng viên để thành lập chi bộ. Khu vực biên giới luôn ổn định.
Trung tâm huyện Si Ma Cai ngày càng khang trang. |
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Si Ma Cai đã cùng quân, dân trong tỉnh sát cánh cùng quân, dân miền Bắc hoàn thành sứ mệnh hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Si Ma Cai là 1 trong 8 huyện, thị xã của tỉnh Lào Cai luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, triển khai thực hiện chủ trương lớn của Đảng về định canh, định cư, xóa nạn mù chữ, phát triển giáo dục, y tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, đồng thời bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 1976, khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập, huyện vùng cao Si Ma Cai dù xa trung tâm tỉnh lỵ, nhưng cùng với 19 huyện, thị xã trong tỉnh có nhiều phong trào thi đua thiết thực, như xây dựng hợp tác xã vùng cao, định canh, định cư, xây dựng đời sống văn hóa, thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo.
Sau chiến tranh biên giới, ngày 17/4/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 168 hợp nhất hai huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, lấy tên là huyện Bắc Hà, gồm 38 xã. Sau đó, 17 xã thuộc huyện Si Ma Cai cũng được điều chỉnh địa giới thành 13 xã khu vực phía Bắc của huyện. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hoàng Liên Sơn trước đó, của Tỉnh ủy Lào Cai sau này, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Bắc Hà, nhân dân các dân tộc khu vực Si Ma Cai luôn giữ vững truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, vượt lên khó khăn, thách thức, đời sống của nhân dân đã bớt khó khăn hơn, cơ bản không còn hộ đói khi giáp hạt.
Sau khi xem xét điều kiện lịch sử, địa lý, văn hóa và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của các xã phía Bắc huyện Bắc Hà và theo nguyện vọng của nhân dân, tỉnh Lào Cai đã lập hồ sơ trình Chính phủ cho phép chia tách huyện Bắc Hà thành 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai. Ngày 18/8/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 36 “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bắc Hà, tái lập lại huyện Si Ma Cai”. Huyện Si Ma Cai được tái lập trên cơ sở địa giới hành chính trước đây gồm 13 xã, 98 thôn; diện tích tự nhiên 234,92 km²; dân số khoảng 28.000 người, tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông chiếm 87%.
16 năm qua (8/2000 - 8/2016), với việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình lớn, như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30a; cụ thể hóa 7 chương trình với 29 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; 4 chương trình, 19 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy “về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020”… diện mạo huyện Si Ma Cai đã đổi thay căn bản. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững mạnh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Đảng bộ Si Ma Cai hiện có 1.660 đảng viên, tăng gấp 4,5 lần ngày mới tái lập huyện; 98/98 thôn, bản có chi bộ sinh hoạt độc lập.
Hằng năm, các chi, đảng bộ cơ sở đều được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có chi, đảng bộ yếu kém…
Trong quá trình phát triển, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào các dân tộc huyện Si Ma Cai luôn thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên, chung tay xây dựng quê hương.
Ghi nhận những thành tích của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang trong thực hiện các phong trào thi đua, đã có hàng ngàn lượt tập thể, cá nhân được huyện tặng Giấy khen; hàng trăm tập thể, cá nhân được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng Bằng khen; hàng chục tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc Huân chương Lao động của Chủ tịch nước. Huyện Si Ma Cai đã được UBND tỉnh tặng Cờ luân lưu toàn diện, Cờ đi đầu trong phong trào phát triển giao thông nông thôn và nhiều Bằng khen trên các lĩnh vực. Nhân dân, cán bộ huyện Si Ma Cai vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba. Đặc biệt, trong phong trao thi đua giảm nghèo bền vững, huyện đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Đảng bộ, quân, dân huyện Si Ma Cai tự hào, phấn khởi trước những thành tựu to lớn đạt được, cùng với sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Thành tựu và những kinh nghiệm 50 năm xây dựng và phát triển là động lực để Si Ma Cai vững bước vào chặng đường phát triển mới.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Si Ma Cai quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, sớm đưa Si Ma Cai ra khỏi diện huyện nghèo.
Vũ Văn Cài
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai