Tổ chức Khí tượng Thế giới: Giai đoạn 2011 – 2015 nắng nóng kỷ lục

Theo nghiên cứu mới nhất của WMO, nhiệt độ cao kỷ lục đã đi kèm với hiện tượng gia tăng mực nước biển, suy giảm biển băng ở Bắc cực và các sông băng trên núi cao, và giảm tuyết phủ ở Bắc bán cầu.

Ngày 8/11 – ngày làm việc thứ hai của Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố một phân tích chi tiết về tình hình khí hậu toàn cầu giai đoạn 2011 – 2015 nóng nhất từng được ghi nhận và những minh chứng ngày càng rõ rệt cho thấy con người tác động không nhỏ tới các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan, để lại hậu quả nguy hiểm và tổn thất lớn.

Nhiệt độ cao kỷ lục đi kèm với hiện tượng gia tăng mực nước biển (Ảnh minh họa: Khánh Linh)

Theo nghiên cứu mới nhất của WMO, nhiệt độ cao kỷ lục đã đi kèm với hiện tượng gia tăng mực nước biển, suy giảm biển băng ở Bắc cực và các sông băng trên núi cao, và giảm tuyết phủ ở Bắc bán cầu.

Báo cáo Khí hậu toàn cầu 2011 – 2015 cho thấy tất cả các chỉ số của biến đổi khí hậu khẳng định xu hướng nóng lên trong dài hạn do các khí nhà kính. Thành phần của bầu khí quyển với carbon dioxide đã đạt đến ngưỡng biểu tượng 400 phần triệu (ppm) lần đầu tiên vào năm 2015.

Những minh chứng này đều chỉ rõ một mối liên hệ gần gũi và chặt chẽ hơn bao giờ hết giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan và sự nóng lên toàn cầu.

Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến các mối liên hệ trực tiếp giữa biến đổi khí hậu bắt nguồn từ hoạt động của con người và các sự kiện cực đoan bất thường. Trong số 79 nghiên cứu được công bố giai đoạn 2011 – 2014 trong Bản tin của Hiệp hội Khí tượng Mỹ, hơn một nửa cho thấy biến đổi khí hậu bắt nguồn từ hoạt động của con người đã góp phần dẫn tới các hiện tượng cực đoan có liên quan. Nhiều nghiên cứu trong số đó cũng chỉ ra rằng xác suất xảy ra các đợt nắng nóng đã tăng gấp 10 lần hoặc thậm chí nhiều hơn.

Trong tuyên bố được đưa ra, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh Thỏa thuận Paris nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất dưới ngưỡng 2°C và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng giai đoạn 5 năm vừa qua đã ghi nhận mức nhiệt nóng kỷ lục. Năm 2015 cũng là năm nóng chưa từng thấy và mọi dấu hiệu đều cho thấy kỷ lục nhiệt này sẽ bị phá vỡ vào năm 2016.

Theo Tổng thư ký WMO, những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thấy rõ trên toàn thế giới kể từ năm 1980: nhiệt độ trên mặt đất và đại dương tăng, nước biển dâng và băng tan trên diện rộng. Những tác động này đã làm tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như các làn sóng nhiệt, hạn hán, lượng mưa kỷ lục và lũ lụt tàn phá.

Báo cáo của WMO đặc biệt nhấn mạnh một số hiện tượng có hậu quả nặng nề như: hạn hán ở Đông Phi năm 2010 – 2012 khiến khoảng 258.000 trường hợp tử vong và hạn hán năm 2013 – 2015 ở miền Nam Châu Phi; lũ lụt khiến 800 người trở thành nạn nhân và gây thiệt hại kinh tế lên tới hơn 40 tỷ USD trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2011; làn sóng nhiệt tại Ấn Độ và Pakistan vào năm 2015, ảnh hưởng tới hơn 4.100 người; bão Sandy vào năm 2012, khiến Mỹ thiệt hại kinh tế lên tới 67 tỷ USD; và bão Haiyan ảnh hưởng tới 7.800 người dân tại Philippines vào năm 2013.

Báo cáo Khí hậu toàn cầu giai đoạn 2011 – 2015 được trình bày tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22). Khoảng thời gian 5 năm được lựa chọn để tiến hành tham chiếu nhằm hiểu rõ hơn về xu hướng nóng lên của khí hậu và các sự kiện thời tiết cực đoan diễn biến trong nhiều năm.

Để hỗ trợ cho các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Marrakesh (Maroc), WMO sẽ tiếp tục công bố một đánh giá tạm thời về trạng thái khí hậu năm 2016 vào ngày 14/11 tới đây./.

Theo Khánh Linh/dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...