Kỷ niệm 66 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2016): Dốc sức, đồng lòng đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc
Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch Biên giới. Lào Cai với Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II có nhiệm vụ nghi binh thu hút và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ sở đảng ở vùng tự do, vùng du kích dọc sông Thao, sông Chảy tổ chức nhiều hoạt động nghi binh, thu hút địch. Các đoàn cán bộ chính trị, quân sự, an ninh tăng cường tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm, gây dựng cơ sở. Lực lượng biệt động của ta 3 lần đột kích thị xã Lào Cai, phá hủy một số phương tiện chiến tranh của địch. Các trinh sát địa phương tích cực phối hợp với lực lượng trinh sát bộ đội chủ lực, tăng cường điều tra nắm chắc tình hình địch. Khi bắt đầu mở chiến dịch, Lào Cai có 9 huyện, thị xã bị địch tạm chiếm, nhưng 7 huyện, thị xã đã lập được chính quyền cách mạng với 20 ủy viên và củng cố kiện toàn ủy ban hành chính ở 27 xã.
Lào Cai - thành phố trẻ bên dòng sông Hồng. |
Ngày 12/9/1950, trước ngày quân ta nổ súng tiến công Đông Khê, lực lượng tham gia Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II đã đồng loạt tấn công địch trên mặt trận Lào Cai. Mở màn, quân và dân ta tấn công địch ở Pa Kha. Ngày 20/9 giải phóng Bắc Hà. Ngày 22/9 giải phóng Lùng Phình. Ngày 27/9 giải phóng Si Ma Cai. Ngày 25/10 giải phóng Phố Mới. Ngày 27/10 giải phóng Cam Đường. Ngày 1/11 giải phóng thị xã Lào Cai. Ngày 3/11 giải phóng Sa Pa. Ngày 4/11 giải phóng Bát Xát. Ngày 5/11 giải phóng Bình Lư. Ngày 11/11 giải phóng Mường Khương. Ngày 12/11 giải phóng Phong Thổ. Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II đã hoàn toàn thắng lợi.
Ngày 16/11/1950, hàng vạn nhân dân các nơi trong tỉnh tập trung về thị xã Lào Cai hân hoan dự lễ mừng chiến thắng. Ủy ban Hành chính kháng chiến của tỉnh ra mắt nhân dân.
Ngày 27/11/1950, Bác Hồ gửi thư khen ngợi đồng bào, chiến sỹ, cán bộ Lào Cai và đó là động lực to lớn để Lào Cai vững bước đi lên. Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn luôn nỗ lực bảo vệ quê hương, đất nước, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, sau 25 năm tái lập tỉnh, Lào Cai thật sự trỗi dậy, trở thành vùng đất năng động nơi cửa ngõ phía Bắc đất nước.
Phát huy truyền thống, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã nỗ lực vượt lên những khó khăn, thách thức; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; chủ động, tích cực, sáng tạo, trên cơ sở xác định đúng chiến lược phát triển, lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp, làm cho Lào Cai đổi thay theo từng năm tháng. Kinh tế - xã hội tăng trưởng cao, ổn định, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 14%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhân dân đồng thuận cao. Kinh tế công nghiệp, xuất - nhập khẩu, du lịch có nhiều đột phá. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 đạt 5.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2016 đạt 6.200 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 39,3 triệu đồng…
Hằng năm, tỉnh bố trí trên 70% tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước để đầu tư cho vùng nông thôn, vùng cao. Vì vậy, đời sống xã hội tại các địa phương trong tỉnh có bước chuyển biến rõ nét. Đến năm 2010, 100% các xã trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã. Hệ thống giao thông được quan tâm khôi phục nhanh, ưu tiên nâng cấp và xây dựng mới; 100% thôn, bản có đường ô tô, xe máy, trong đó trên 70% thôn có đường ô tô. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đã nâng cấp xong; đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai hoàn thành (ngày 21/9/2014), đưa vào sử dụng, mở ra trang mới cho sự phát triển mọi mặt của Lào Cai nói riêng, cho các tỉnh có tuyến đường chạy qua cũng như các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Khu hành chính mới của tỉnh Lào Cai. |
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó, mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng, một số chính sách đi trước hoặc thực hiện ở mức cao hơn so với quy định của Trung ương, như hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà ở, xóa nhà tạm cho người nghèo và người có thu nhập thấp; hỗ trợ cho học sinh bán trú; có cơ chế tuyển dụng con em dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học…
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào Lào Cai. Duy trì và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), công tác cải cách hành chính luôn được đánh giá nằm trong tốp đầu toàn quốc. Công tác quốc phòng, an ninh đạt được kết quả quan trọng. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Quan hệ đối ngoại với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) được nâng lên tầm cao mới, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Quan hệ với nhiều vùng, lãnh thổ, tổ chức quốc tế được duy trì và mở rộng.
Công tác Đảng luôn được coi trọng; đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng đồng bộ hơn, có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, đoàn kết và ý thức tổ chức kỷ luật cao; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có trình độ chuyên môn chuyên sâu tăng lên. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng, đã và đang lan tỏa, làm chuyển biến sâu sắc về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, 66 năm kể từ khi được hoàn toàn giải phóng, các thế hệ người dân Lào Cai luôn dốc sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (1947 - 2007)” và một số tài liệu sưu tầm.