Đào tạo nhân lực chất lượng cao: Cần hướng tiếp cận mới
Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là đội ngũ tốt nghiệp đại học đạt loại giỏi, bác sỹ, thạc sỹ, tiến sỹ, mà còn là đội ngũ thợ lành nghề kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.Kết quả bước đầu
Trong những năm qua, việc xây dựng nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng được tỉnh Lào Cai quan tâm bằng việc ban hành các cơ chế, chính sách như: Thu hút người có trình độ cao về công tác tại tỉnh, hỗ trợ cán bộ, công chức đi học sau đại học… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển mạnh giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao. Năng lực đào tạo của các trường chuyên nghiệp trong tỉnh được nâng lên cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng một phần nhu cầu nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đào tạo lao động nghề sửa chữa điện. |
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên ngành, tính đến hết năm 2015, nhân lực trình độ đại học, sau đại học trên địa bàn tỉnh tăng mạnh về số lượng (cả khu vực công và khu vực tư) với 18.671 người, tăng 6.044 người so với năm 2010. Trong đó, nhân lực chất lượng cao có 1.814 người (8 tiến sỹ, 476 thạc sỹ, 205 bác sỹ chuyên khoa I, II, 1.125 người có trình độ đại học loại giỏi). Về đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, nhân viên có chuyên môn cao cũng có sự tăng lên về số lượng. Đội ngũ này tập trung chủ yếu ở khu vực tư với 1.140 người, tăng khoảng 400 người so với năm 2010, tập trung nhiều ở các ngành xây dựng (chiếm 19,4%), công nghiệp (chiếm 18,5%), thương mại (chiếm 50,9%) và ngành khác (chiếm 8,7%).
Vẫn còn những bất cập
Thực tế cho thấy, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học ít, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý. Công tác phát hiện cán bộ trẻ, chuyên gia giỏi và thu hút nhân tài về làm việc ở tỉnh còn nhiều hạn chế. Nhân lực chất lượng cao phân bố không đồng đều giữa các vùng và các ngành, nhất là một số ngành trọng điểm chưa có hoặc có rất ít nhân lực trình độ sau đại học. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề giỏi, là người dân tộc thiểu số còn thấp. Thiếu các chuyên gia đầu ngành, công nhân kỹ thuật giỏi, nghệ nhân. Công tác quy hoạch ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực và phát triển nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, nên việc xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn khác như: Quy mô ngành nghề đào tạo còn nhỏ; năng lực đào tạo của các trường nghề, trung tâm dạy nghề của tỉnh còn hạn chế so với nhiệm vụ được giao; mới chỉ đào tạo được trình độ cao đẳng ở một số ít ngành nghề. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao; khả năng tiếp cận khoa học công nghệ mới của người học, kỹ năng thực hành của học sinh, sinh viên còn hạn chế.
Điều đáng quan tâm là việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học lớn trong nước, mặc dù học sinh trúng tuyển chính quy hằng năm có số lượng lớn, nhưng chưa tập trung vào những ngành nghề tỉnh cần nhân lực. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều người không trở về tỉnh làm việc, đặc biệt tỷ lệ học sinh Trường THPT Chuyên Lào Cai chỉ có khoảng 6% sau tốt nghiệp đại học về tỉnh công tác…
Cần cách tiếp cận mới
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục phát triển quy mô giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng, trang bị kiến thức, kỹ năng tin học, ngoại ngữ nhằm tạo nguồn đầu vào cho công tác đào tạo chất lượng cao; tăng số lượng học sinh khá, giỏi, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh hướng nghiệp, nâng cao nhận thức cho học sinh để định hướng thí sinh dự tuyển vào các ngành nghề đào tạo mà tỉnh đang cần nhân lực chất lượng cao. Cần đào tạo chất lượng cao một số ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có đủ điều kiện, trong đó, tập trung đào tạo những ngành nghề, như xây dựng dân dụng, công nghiệp, nông - lâm nghiệp, hướng dẫn viên du lịch...
Đặc biệt, phải xác định rõ địa chỉ nhu cầu, vị trí việc làm trước khi cử đi đào tạo. Do đó, hằng năm, cần lựa chọn học sinh, lựa chọn ngành nghề đào tạo, lựa chọn trường học uy tín ở nước ngoài để hợp tác. Chọn cử một số cán bộ trẻ, có năng lực tốt đi học bổ sung ngoại ngữ, tin học, chính trị tại tỉnh và cử đi đào tạo chất lượng cao ở nước ngoài, như Anh, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Singapore... Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh giỏi, học viên được cử đi đào tạo, sử dụng sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp; chính sách thu hút sinh viên xuất sắc, nhân lực xuất sắc trình độ cao về làm việc tại tỉnh phải đảm bảo đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài.
Để làm được điều này, các sở, ngành cần căn cứ vào yêu cầu phát triển và nhu cầu nhân lực, tham mưu xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn sử dụng nguồn nhân lực đã qua đào tạo, chủ động quy hoạch, xây dựng kế hoạch, lộ trình, đề xuất chọn cử cán bộ đi đào tạo, đảm bảo chất lượng.