Khai mạc Hội nghị cấp cao Đối thoại phát triển Châu Á lần thứ 2

Hội nghị cấp cao Đối thoại Phát triển Châu Á (ACD) lần thứ 2 đã chính thức khai mạc sáng 10/10 tại thủ đô Bangkok của Vương quốc Thái Lan với sự tham gia của các nguyên thủ và các nhà lãnh đạo của 34 quốc gia thành viên ACD. Phái đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu tham dự Hội nghị lần này.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Sơn Nam - PV TTXVN tại Thái Lan

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Prayut Chan-ocha (Pray-út Chan-ô-cha) đã bày tỏ lòng tin rằng, với chủ đề “Một châu Á, Đa thế mạnh”, Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của ACD sẽ đặt nền móng cho một tương lai tốt đẹp về sự hợp tác phát triển bền vững tại châu Á. Chủ đề của Hội nghị cũng phản ánh quyết tâm của các nước thành viên vì một môi trường thân thiện và sáng tạo, sự chung sức và lòng tin để cùng nhau xây dựng một châu Á phát triển bao quát và đoàn kết.

Theo Thủ tướng Thái Lan, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn thì châu Á đã duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình đến 5%, cao nhất thế giới. Điều đó thể hiện vai trò "động lực chính" thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển vì lợi ích và sự ổn định của khu vực cũng như toàn cầu. Để hiện thực hóa "Tầm nhìn ACD 2030" đưa châu Á trở thành một châu lục phát triển toàn diện và bền vững, hòa bình và ổn định với sự kết nối xuyên suốt sáng tạo, trong đó con người là trung tâm, thì cần phải thúc đẩy 6 trụ cột hợp tác đúng với Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc. Thủ tướng Prayut Chan-ocha nhấn mạnh: "ACD cần đóng vai trò là cầu nối để các tiểu vùng trong khu vực có thể kết nối hợp tác với nhau nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực và sức mạnh đa dạng của khu vực. Với vị thế là quốc gia ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á, Thái Lan sẵn sàng đóng vai trò thúc đẩy sự kết nối đó".

Phát biểu tại hội nghị, đại diện cho phái đoàn Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng "một châu Á phát triển năng động đang trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, góp phần ngày càng quan trọng trong giải quyết những vấn đề chung toàn cầu. Để bảo đảm tiếp tục duy trì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, châu Á rất cần tăng cường hợp tác nhằm tạo dựng môi trường phát triển thuận lợi, bền vững và cùng đối phó với thách thức chung của khu vực".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kết nối là một chìa khóa quan trọng để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia châu Á, trong đó cần tập trung vào kết nối đa chiều và đa lĩnh vực. Không chỉ giới hạn ở giao thông và logistic mà còn cả các lĩnh vực khác là thương mại, đầu tư, kết nối du lịch, giao lưu văn hóa…. Trước hết là dọc các tuyến hành lang. Điều này một lần nữa khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hợp tác ACD. Đặc biệt là những nỗ lực của nước chủ nhà Thái Lan và các nước trong tìm kiếm giải pháp để hợp tác ACD ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Tại hội nghị, trưởng đoàn các nước thành viên ACD và các đối tác đã thảo luận làm rõ nội hàm khái niệm, hành động, kế hoạch hợp tác cụ thể trên cơ sở tái cơ cấu 20 lĩnh vực hợp tác thành 6 trụ cột: kết nối, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; mối liên hệ giữa an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước; văn hóa và du lịch; thúc đẩy các cách tiếp cận đối với tăng trưởng bền vững và toàn diện.

Với vai trò là nước khởi xướng hợp tác ACD, Thái Lan đã có nhiều nỗ lực “làm sống lại” hợp tác ACD và thúc đẩy cơ chế hợp tác này, hoạt động ngày càng hiệu quả và chặt chẽ hơn, thể hiện qua nội dung dự thảo khái niệm “Tầm nhìn ACD về hợp tác châu Á 2030” và “Lộ trình kết nối khu vực châu Á cũng như việc tổ chức Hội nghị bộ trưởng ACD 14 (diễn ra vào tháng 3/2016 tại Bangkok).

Trong khuôn khổ hội nghị này, các lãnh đạo và trưởng đoàn tham dự cuộc đối thoại với đại diện khu vực kinh tế tư nhân; nghe báo cáo của Tổng thư ký Hội nghị Đối thoại Hợp tác châu Á lần thứ 2 Bundit Limschoon; Thông qua các văn kiện Hội nghị (gồm: Tầm nhìn ACD về hợp tác châu Á đến năm 2030; Tuyên bố Bangkok; Tuyên bố ACD về phục hồi tăng trưởng thông qua đối tác kết nối).

Được thành lập năm 2002, Diễn đàn Đối thoại Phát triển Châu Á có mục đích gắn kết các nước châu Á để nâng cao thế mạnh của châu Á trên nhiều lĩnh vực, cũng như bổ sung cho các cơ chế hợp tác sẵn có trong khu vực thông qua việc xây dựng các mắt xích còn thiếu trong hợp tác châu Á, xây dựng lục địa châu Á thành Cộng đồng châu Á hòa bình, phát triển và thịnh vượng.

Đến nay, ACD đã trở thành diễn đàn đối thoại liên Á duy nhất, thu hút sự tham gia của 34 quốc gia trên toàn châu Á./.

Theo TTXVN

Tin Liên Quan

Các nước bịt “lỗ hổng” thuế quan thương mại điện tử như thế nào?

Đứng trước nỗi lo “cơn lốc hàng giá rẻ” tràn qua biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, nhiều quốc gia trên thế giới đã vào cuộc để cập nhật và cải cách ngưỡng áp thuế để phù hợp với thực tế mới.

Giấc mơ trở thành vựa lương thực thế giới của Indonesia

Theo báo Jakarta Post, hiện nay, tự cung tự cấp lương thực vẫn là một khát vọng hơn là thành tựu ở Indonesia.

Khai mạc Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 4/11, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 12 (WUF12) đã khai mạc tại Thủ đô Hành chính Mới (New Cairo) của Ai Cập, đánh dấu sự trở lại của diễn đàn này ở châu Phi lần đầu tiên sau 22 năm.

Liên hợp quốc ưu tiên ủng hộ xây dựng hệ thống lương thực thông minh

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) kêu gọi ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hệ thống nông-lương thực tại châu Phi và coi đây là “chìa khóa” để giải quyết nạn đói vốn là căn bệnh kinh niên ở châu lục này.

Chìa khóa của phát triển bền vững

Vốn chịu sức ép từ nhiều cuộc khủng hoảng, nền kinh tế thế giới đang có nguy cơ mắc kẹt trong tình trạng tăng trưởng thấp, khó có thể đáp ứng được các nhu cầu phát triển. Trong bối cảnh này, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hối thúc các quốc gia, nhất là các nước đang phát...

Xu hướng xanh hóa nông nghiệp ở Bắc Âu và bài học cho nông sản Việt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, xu hướng phát triển nông nghiệp xanh ngày càng được các quốc gia Bắc Âu thúc đẩy, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Với những bước tiến tiên phong trong nông nghiệp bền vững, các nước Bắc Âu như Thụy...