Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác
Ngày 26/7, tiếp tục chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 17, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 6 và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23.Tái khẳng định cam kết củng cố hơn nữa hợp tác ASEAN+3
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 17, các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển thực chất trong khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với 3 nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và tái khẳng định cam kết củng cố hơn nữa hợp tác ASEAN+3, coi ASEAN+3 là khuôn khổ chính hướng tới mục tiêu dài hạn về Cộng đồng Đông Á; nhất trí hợp tác ASEAN+3 cần tiếp tục hỗ trợ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, góp phần thúc đẩy liên kết Đông Á.
Các Bộ trưởng đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai các biện pháp còn lại trong Kế hoạch công tác ASEAN+3 giai đoạn 2013-2017, nhất là hợp tác xử lý tác động của biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển, kết nối, tài chính và an ninh lương thực và nhất trí giao các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch công tác mới để trình các lãnh đạo ASEAN+3 thông qua trong năm 2017; ghi nhận các kết quả đạt được trong việc triển khai các kế hoạch hành động theo khuyến nghị của Nhóm tầm nhìn Đông Á, đưa hợp tác ASEAN+3 vào thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu mới.
Hội nghị cũng nhất trí tăng cường hợp tác chính trị-an ninh, tập trung xử lý các thách thức đang nổi lên như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, mạng, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và bệnh truyền nhiễm.
Về kinh tế, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đề nghị các bên nỗ lực để hoàn tất đàm phán RCEP trong năm 2016; đánh giá cao vai trò Sáng kiến đa phương Chiang Mai trong duy trì ổn định tài chính, hoan nghênh việc chuyển đổi Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) thành một tổ chức quốc tế và việc hoàn tất lộ trình trung hạn cho Sáng kiến thị trường trái phiếu châu Á (ABMI).
Hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý và giảm thiểu nguy cơ thảm họa, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, du lịch, thúc đẩy kết nối con người ở Đông Á, giáo dục, y tế.
Các nước ASEAN đánh giá cao ủng hộ và hỗ trợ của các nước Cộng 3 dành cho việc triển khai Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN, hoan nghênh Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng như đề xuất Đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng sẽ góp phần đáp ứng các nhu cầu tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng khu vực.
Các nước đã cơ bản nhất trí việc thông qua Tuyên bố cấp cao ASEAN+3 về phát triển bền vững.
Bàn công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 11
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao EAS lần thứ 6, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của EAS là diễn đàn của các lãnh đạo để thảo luận về các vấn đề chiến lược nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Á, là tiến trình mở, thu nạp với ASEAN đóng vai trò chủ đạo.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những kết quả triển khai Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 10 (tháng 11/2015), đặc biệt là các biện pháp củng cố EAS, trong đó có việc thành lập Bộ phận EAS trong Ban Thư ký ASEAN và cơ chế trao đổi định kỳ giữa Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN (CPR) với các đại sứ EAS ngoài ASEAN (CPR+8).
Các Bộ trưởng ghi nhận những tiến triển trong 6 lĩnh vực hợp tác ưu tiên của EAS, bao gồm năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế, quản lý thiên tai và kết nối. Trong đó, có nhiều kết quả đáng chú ý như hoàn thành đánh giá Kế hoạch hành động EAS giai đoạn 2011-2015 và sớm xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới, triển khai lộ trình xóa bỏ sốt rét ở châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2030, tăng cường hợp tác về quản lý và giảm thiểu nguy cơ thiên tai thông qua Ủy ban Quản lý thiên tai ASEAN (ADCM) và Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo và quản lý thiên tai (AHA) thúc đẩy kết nối ASEAN và đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng ở khu vực thông qua Sáng kiến của Nhật Bản về quan hệ Đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng, khoản vay tín dụng của Ấn Độ dành cho các dự án kết nối hạ tầng cứng và kết nối số của ASEAN, Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB) và Chương trình Hợp tác phát triển ASEAN-Australia giai đoạn II. Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất đưa hợp tác về an ninh biển thành một lĩnh vực ưu tiên trong EAS.
Các nước sơ bộ bàn công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 11 vào tháng 9 tới tại Lào, trong đó có bàn các văn kiện dự kiến được thông qua như Tuyên bố về thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng, chống phổ biến vũ khí hạt nhân, người di cư và nạn buôn bán người.
Việt Nam đồng chủ trì Nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 23, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của ARF là diễn đàn đối thoại về các vấn đề chính trị-an ninh thuộc quan tâm và lợi ích chung ở châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Các Bộ trưởng ghi nhận các kết quả triển khai kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố tầm nhìn ARF giúp nâng cao hiệu quả xử lý các thách thức ngày càng phức tạp ở khu vực, nhấn mạnh cần triển khai toàn diện các dòng hành động để thúc đẩy tiến trình ARF.
Hội nghị đã rà soát việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong năm giữa kỳ 2015-2016, đánh giá cao các hoạt động của các Nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về giảm nhẹ thiên tai, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh hàng hải, không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.
Dịp này, Hội nghị đã thông qua danh mục các hoạt động cho năm giữa kỳ tiếp theo 2016-2017, trong đó Việt Nam sẽ đồng chủ trì Nhóm hỗ trợ giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải cùng với Australia và Liên minh châu Âu trong nhiệm kỳ 2017-2020.
Về định hướng tương lai, các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, đồng thời phát triển các biện pháp ngoại giao phòng ngừa phù hợp với các nhu cầu của khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của Tuyên bố Hà Nội thực hiện Tuyên bố tầm nhìn ARF để định hướng ARF là diễn đàn thiết thực và có tính hành động, tăng cường phối hợp đồng bộ và tính bổ trợ giữa ARF với các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt.
Dịp này, Hội nghị đã thông qua một số tuyên bố các Bộ trưởng ARF, trong đó đáng chú ý nhất là Tuyên bố về thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển theo đề xuất của Việt Nam./.