Tham dự Diễn đàn có: Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ V.K. Singh, Bí thư Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Công nghiệp, Bộ Nước uống và Vệ sinh Ấn Độ cùng đại diện các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Myanmar…
Được xem là hoạt động đầu tiên hướng tới Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 14 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 11, Diễn đàn lần này tập trung thảo luận các chủ đề về thương mại, đầu tư, tài chính, nước, năng lượng bền vững và kết nối giao thông giữa Ấn Độ và ASEAN.
Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn do Liên đoàn các phòng thương mại, công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM) tổ chức, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Ấn Độ Tôn Sinh Thành đã khẳng định: Diễn đàn Kinh tế Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 là một sự kiện quan trọng và đúng thời điểm khi hai bên đang hướng tới kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại Ấn Độ - ASEAN.
Tăng cường quan hệ với ASEAN là trọng tâm chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ được ban hành từ năm 1991. Quan hệ ASEAN và Ấn Độ đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua, từ đối tác đối thoại theo ngành vào năm 1992 nâng lên đối tác đối thoại toàn diện năm 1995, đối tác cấp cao năm 2002 và đối tác chiến lược năm 2012.
Nhằm tăng cường không gian kinh tế và chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về lâu dài, Ấn Độ muốn cải thiện quan hệ với ASEAN và coi ASEAN là hòn đá tảng trong chính sách “Hướng Đông” trước đây và “Hành động hướng Đông” hiện nay.
Trong khi đó, phần lớn các nước thành viên ASEAN luôn coi Ấn Độ là một đối tác tiềm năng và tin cậy trong khu vực. Hai bên phát triển mối quan hệ đối tác dựa trên quan điểm chung về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu cùng với kết nối trên ba trụ cột (chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội) và gần đây tập trung nhiều hơn vào kết nối.
Hợp tác đầu tư và thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng trưởng mạnh mẽ trong 25 năm qua. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 76,53 tỷ USD trong năm 2014-2015. Nguồn vốn đầu tư từ Ấn Độ và ASEAN đều tăng mạnh, riêng đầu tư từ ASEAN vào Ấn Độ từ năm 2000 tăng 12,5%.
Theo Đại sứ Tôn Sinh Thành, ASEAN và Ấn Độ vẫn còn nhiều tiềm năng cho mối quan hệ kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bấp bênh, Ấn Độ đang nổi lên là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới và là điểm hấp dẫn về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất. Còn với sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Hiệp hội đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới với dân số 622 triệu người và GDP là 2.500 tỷ USD.
Là hai trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ASEAN và Ấn Độ đang cùng nhau trở thành những đối tác và đầu tàu kinh tế ngày càng quan trọng. Việc thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN là một lĩnh vực ưu tiên trong Kế hoạch hành động mới giai đoạn 2016 – 2020 để triển khai mối quan hệ đối tác ASEAN - Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung.
Tuy nhiên, khối lượng thương mại hàng năm giữa ASEAN và Ấn Độ vẫn chưa được như kỳ vọng. Đại sứ đề nghị khu vực tư nhân của Ấn Độ tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực hơn nữa để tận dụng các lợi thế cạnh tranh trong một số lĩnh vực như điện tử, đá quý và trang sức, ôtô, dược phẩm, sợi bông và dệt may, công nghệ thông tin...
Nhấn mạnh vai trò là quốc gia điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2015 – 2018, Việt Nam tích cực đóng góp vào tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Ấn Độ, Đại sứ Tôn Sinh Thành khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy sự hội nhập sâu hơn nữa của cả Ấn Độ và ASEAN vào các cơ chế hợp tác khu vực, trong đó có việc đánh giá thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và các cuộc thương lượng về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)./.