Trải nghiệm thú vị ở làng nghề truyền thống

Không phải sắc màu lễ hội hay những ẩm thực độc đáo của miền sơn cước, mà là những công việc lao động rất đỗi bình dị, như cuộc sống vốn có của người vùng cao lại có sức hấp dẫn du khách đến vậy. Nghề se lanh dệt vải, trạm khắc bạc, rèn đúc nông cụ,… dưới bàn tay điêu luyện, tinh xảo của các nghệ nhân bản địa đang trở thành loại hình du lịch mới – trải nghiệm cùng với các làng nghề truyền thống ở Lào Cai.

Nghề rèn nông cụ.
 
Du khách thập phương không khỏi trầm trồ, thán phục khi thấy đôi bàn tay của những người phụ nữ Mông ở bản Cát Cát vẫn cứ thoăn thoắt xe lanh, tay chuốt chỉ, tay khéo léo thêu thùa. Nghề thêu có từ đời ông cha truyền lại đã có hơn 100 năm. Người Mông Cát Cát vẫn còn giữ được đến ngày nay.

Làng nghề Cát Cát được phục dựng và bảo tồn nguyên vẹn trong không gian của một làng truyền thống của người Mông. Nơi đây vẫn giữ được những nếp nhà lợp bằng gỗ thông, những cối giã gạo bằng sức nước... đem đến cho khách du lịch cảm nhận rõ hơn về cuộc sống của người vùng cao.

Không chỉ bảo tồn vốn văn hóa của người Mông, nơi đây còn phát triển thành làng nghề du lịch để du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm với người dân bản địa. Chị Thào Thị Mẩy, người Mông bản Cát Cát trò chuyện: Làm nghề này lâu rồi, từ ngày còn bé, bố mẹ đã dạy thêu thùa rồi, lớn lên thêu để may váy áo, giờ thì thêu làm túi, ví, làm đồ lưu niệm bán cho khách du lịch. Người Mông Cát Cát còn giỏi nghề thủ công chạm khắc bạc, nghề làm trang sức, đồ dùng từ sừng trâu và nghề rèn đúc nông cụ để canh tác trên những thửa ruộng bậc thang.

Nghề thêu thổ cẩm ở Sa Pa.

Thăm làng nghề Cát Cát, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm nhiều màu sắc mà còn trầm trồ, thán phục tài khéo léo của nghệ nhân người Mông qua những sản phẩm trang sức bằng bạc như: vòng đeo cổ, đeo tay, khuyên tai, dây xà tích... Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sừng trâu, tre, gỗ, nứa cũng có vẻ đẹp rất riêng.

Nơi đây còn trưng bày cả một không gian riêng dành cho tranh lá. Đó là những bức tranh được sáng tạo từ lá khô hái từ rừng về, được người nghệ sỹ tài hoa tạo nên những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, tranh thiếu nữ dân tộc,… đủ sắc màu.

Cái thú vị của làng nghề Lào Cai là làng không chỉ có một nghề, mà có rất nhiều nghề truyền thống. Có thể thấy “một làng nhưng nhiều nghề” như làng nghề Bản Phố. Người Mông Bản Phố không chỉ giỏi nấu rượu ngô với thứ men lá bí truyền hồng my mà còn có nghề rèn đúc nông cụ, nghề chạm khắc bạc và nghề dệt, thêu thổ cẩm.

Trang phục của thiếu nữ, phụ nữ dân tộc Mông ở Bắc Hà rất sặc sỡ nên chất liệu thổ cẩm cũng khá nhiều màu sắc. Nếu như thổ cẩm được dệt nên bởi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông thì nông cụ được rèn đúc bằng tài năng và sức vóc dẻo dai của những người đàn ông dân tộc Mông. Trang sức chạm khắc bạc thể hiện sự tinh xảo và đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.

Tả Phìn- Sa Pa cũng là ngôi làng có nhiều nghề truyền thống như nghề làm trống, nghề chế thuốc tắm lá, nghề thêu thổ cẩm,... Đến với nơi đây, du khách được tận hưởng một không gian trong lành giữa núi rừng, có thể thả bộ theo người hướng dẫn viên, lên bản đắm mình trong mùi hương quyến rũ của lá thuốc tắm độc đáo.

Qua già làng truyền dạy, người dân tộc Dao đỏ đều biết lên rừng hái lá thuốc. Mỗi bài thuốc tắm có công dụng khác nhau, sự pha chế cũng khác nhau, làm nên sản phẩm du lịch độc đáo cho Sa Pa.

Thú vị nhất là nghề làm trống của người Dao đỏ. Bạn có thể ngồi hàng giờ xem họ làm thủ công đục đẽo gỗ, tre... rồi trải qua các công đoạn khéo léo làm nên những chiếc trống mang bản sắc, đặc trưng riêng. Du khách khi ra về có thể mua một vài chiếc trống về treo trang trí trong nhà hoặc làm quà tặng người thân, bạn bè.

Làng nghề là một trong những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn. Để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, tỉnh Lào Cai đã chú trọng khôi phục và bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Những năm trở lại đây, nhiều nghề và làng nghề đang dần được hồi sinh, tạo nguồn sản phẩm phong phú, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của du lịch làng nghề ở Lào Cai./.
Thanh Cường

Tin Liên Quan

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.