Nhật Bản sau 2 năm động đất, sóng thần

Cách đây 2 năm, 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, khu vực Đông Bắc Nhật Bản bị rung chuyển bởi trận động đất cường độ 9 độ ríchte ở ngoài khơi Thái Bình Dương cách bờ biển tỉnh Miyagi 130 km, kéo theo trận sóng thần lớn chưa từng có, nhấn chìm nhiều làng mạc ven biển, cuốn phăng tàu bè, nhà cửa và cả sinh mạng của gần 15.000 người.

Tuy vẫn còn muôn vàn những khó khăn nhưng những gì mà cả nước Nhật và người dân khu vực Đông Bắc đang làm để tái thiết lại cuộc sống, sản xuất sau thảm hoạ động đất sóng thần đã cho thấy một ý chí và nỗ lực tuyệt vời.

Theo thống kê mới nhất của Cơ quan cảnh sát quốc gia (NPA) Nhật Bản, tính đến ngày 8/3/2013, tổng cộng sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.881 người và 2.668 người mất tích, 310.000 người vẫn còn đang phải sống trong cảnh tha hương suốt 2 năm qua.

Việc tìm kiếm và nhận dạng thi thể các nạn nhân còn mất tích vẫn đang được cảnh sát tiến hành và công việc này sẽ còn kéo dài trong tương lai do số lượng những người mất tích vẫn còn khá cao.

Sóng thần cao hơn 10m tấn công Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm hoạ Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Chất phóng xạ phát tán vào môi trường không khí, đất và nước gây ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn và khiến hàng trăm nghìn người dân xung quanh nhà máy phải lập tức sơ tán với phạm vi bán kính lên tới 20 km.

Trong khi đó, 54.000 người dân Fukushima phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do sự cố hạt nhân nhiều khả năng sẽ không thể trở về nhà ít nhất trong vòng 4 năm tới. Con số này chiếm tới hơn 60% trên tổng số 84.000 người nằm trong diện sơ tán khẩn cấp ngay sau sự cố hạt nhân. Nguyên nhân là môi trường những khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố phóng xạ vẫn chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ con người.

Nhật Bản vẫn đang tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của chất phóng xạ đối với sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ em. Lo ngại vẫn còn đó khi giới chức y tế phát hiện các ca ung thư tuyến giáp đầu tiên ở trẻ em tỉnh Fukushima trong các cuộc thăm khám gần đây tuy chưa có bằng chứng rõ ràng về mối liên quan trực tiếp giữa sự cố hạt nhân với các ca bệnh này.

Ngoài ra, sự cố hạt nhân còn gây ra những khó khăn cho kinh tế Nhật Bản khi chỉ có 2 trong tổng số 54 lò phản ứng hiện đang hoạt động do sức ép của dư luận buộc Chính phủ nước này phải có các biện pháp kiểm tra độ an toàn trước khi cho vận hành trở lại các lò này. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng và đẩy Nhật Bản vào tình thế phải nhanh chóng giải quyết bài toán năng lượng, trong đó nhiệt điện là lựa chọn thực tế nhất. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện khiến các công ty điện lực gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá đồng Yên đang giảm mạnh.

Trong khi đó, công tác tái thiết sau thảm hoạ kép vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. 22/42 lãnh đạo các thành phố, thị trấn, làng mạc quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và những khu vực bị sóng thần tàn phá ở 3 tỉnh Fukushima, Miyagi, Iwate cho rằng quá trình khôi phục từ thảm họa vẫn “chậm hơn so với dự định” hoặc “hoàn toàn không tiến triển”.

Bản dự thảo ngân sách tài khoá 2013 được Chính phủ Thủ tướng Abe thông qua ngày 29/1 đã dành 6.000 tỷ Yên bổ sung cho công cuộc tái thiết khu vực Đông Bắc, nâng tổng số ngân sách dành cho tái thiết từ 19.000 tỷ lên 25.000 tỷ Yên.

Sau 2 năm, tuy vẫn còn muôn vàn những khó khăn nhưng những gì mà cả nước Nhật đang làm đã cho thấy một ý chí và nỗ lực tuyệt vời. Đất nước và con người Nhật Bản vẫn luôn đứng vững và kiên cường vươn lên từ trong thảm hoạ./.

(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.