Iran và nhóm P5+1 nối lại đàm phán

Ngày 26/2, tại cố đô Almaty của Kazakhstan đã khai mạc vòng đàm phán mới đầu tiên trong năm 2013 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp và Đức) nhằm thảo luận chương trình hạt nhân gây tranh cãi mà nước Cộng hòa Hồi giáo này đang theo đuổi.
 
Tham dự vòng đàm phán này, ngoài các đại diện của Nhóm P5+1 còn có quan chức phụ trách quan hệ đối ngoại và chính sách an ninh của Liên minh châu Âu (EU) - bà Catherine Ashton và Thư ký Hội đồng An ninh tối cao Iran Saeed Jalili. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendi Sherman đã tham dự.
 
Phát biểu tại cuộc thương lượng, ông Ryabkov cho biết nhóm P5+1 sẽ chuyển cho Iran một số đề xuất mới về khả năng phương Tây có thể cân nhắc tới khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt về mặt kinh tế để đổi lấy việc Tehran thực thi các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế chương trình hạt nhân. Các bên cũng sẽ nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận về thực thi các biện pháp tin cậy để dần dần thu hẹp chương trình hạt nhân của Iran.
 
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thực tế rằng giữa nhóm P5+1 và Iran vẫn tồn tại những bất đồng sâu sắc về chương trình hạt nhân của nước này, đặc biệt sau khi Tehran cho lắp đặt các thiết bị hiện đại nhằm gấp rút làm giàu urani tại cơ sở hạt nhân Natanz.
 
Trong lời phát biểu trước báo giới ngày 25/2, tức là chỉ một ngày trước khi diễn ra vòng đàm phán đầu tiên giữa Iran và nhóm P5+1 trong năm 2013, ông Ryabkov đã kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán cần tỏ rõ “thiện chí về mặt chính trị”. Ông Ryabkov nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các đại biểu tham gia đàm phán cần nhận thức rõ một thực tế rằng, chúng ta không còn thời gian để lãng phí. Những chậm trễ trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran trong suốt 8 hay thậm chí là 15 tháng qua là hoàn toàn không thể chấp nhận được…Một vấn đề cơ bản hiện nay là làm thế nào để có thể cân bằng lợi ích giữa các bên tham gia đàm phán”.
 
Theo quan điểm của quan chức ngoại giao Nga, trong năm 2012, Iran và nhóm P5+1 đã đưa ra nhiều đề xuất song chưa trở thành hiện thực và giờ đã đến lúc tất cả các bên cần đưa ra những bước đi mới, xác định rõ vấn đề và nhận thức rõ trình tự những việc cần làm để giải quyết các vấn đề còn đang gây tranh cãi.
 
Phát biểu trong buổi tiếp xúc với Tổng thống Kazakhstan, ngày 25/2, trưởng đoàn đàm phán Iran - ông Jalili bày tỏ hy vọng nhóm P5+1 sẽ đưa ra phản ứng mang tính xây dựng, lôgíc và đáng tin cậy trước những đề xuất toàn diện mà Iran đã đưa ra tại vòng đối thoại ở thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 6/2012. Bên cạnh đó, ông Jalili cũng đưa ra khuyến cáo rằng, nếu như các nước phương Tây tiếp tục dựa vào sức mạnh của vũ khí hạt nhân và các biện pháp gây sức ép thì họ sẽ không thể thuyết phục được nước Cộng hòa Hồi giáo Iran từ bỏ quyền phát triển hạt nhân.
 
Tuyên bố trên được ông Jalili đưa ra trong bối cảnh phát ngôn viên của Cao ủy phụ trách chính sách đối thoại Liên minh châu Âu (EU), ông Michael Mann tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng đưa ra đề xuất mới trong vòng đối thoại sắp diễn ra với Iran. Đề xuất này được chúng tôi đánh giá là sẽ tạo ra một cơ sở công bằng và bình đẳng để xúc tiến các vòng đối thoại tích cực với Iran…Đề xuất của chúng tôi vừa có thể giải tỏa được những quan ngại của cộng đồng thế giới về bản chất chương trình hạt nhân của Iran, vừa phù hợp trước những ý tưởng của Iran...”. Tuy nhiên, ông Mann không tiết lộ cụ thể về những đề xuất mà nhóm P5+1 sẽ đưa ra khi tham gia đàm phán với Iran.

Vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 tại thủ đô Moscow (Nga) hồi tháng 6/2012.
(Ảnh: PressTV)

Iran và nhóm P5+1 từng tiến hành 3 vòng đàm phán trong năm ngoái với lần cuối kết thúc trong bế tắc hồi tháng 6/2012 tại Nga. Phương Tây nghi ngờ Iran phát triển bom hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình hạt nhân dân sự nhưng Tehran luôn bác bỏ, khẳng định rằng các hoạt động hạt nhân của họ thuần túy vì mục đích hòa bình.
 
Các vòng đàm phán được cho là nhằm giải quyết một quan ngại chính của phương Tây về khả năng làm giàu uranium của Iran ở mức độ tinh khiết 20% - hoạt động có thể sử dụng cho các mục đích hòa bình, song cũng có thể cho việc chế tạo bom hạt nhân.
 
Sự thất bại trong các vòng đàm phán dẫn tới hậu quả Iran hiện đang phải đối mặt với 4 nghị quyết trừng phạt từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng một số lệnh trừng phạt đơn phương khác từ các nước phương Tây. Trong khi đó, những quyết tâm và động thái mới đây của Iran và nhóm P5+1 vẫn được xem là chưa đủ để dư luận có thể kỳ vọng vào một kết quả mang tính đột phá tại vòng đối thoại lần này khi mà khoảng cách về lòng tin giữa hai bên vẫn còn quá lớn.
 
Thứ trưởng Ryabkov cũng vừa đưa ra dự báo rằng cũng như các vòng đàm phán trước, vòng đàm phán lần này tại Kazakhstan sẽ không đạt được kết quả mới mẻ nào, bất chấp nước chủ nhà cam kết sẽ làm hết sức mình cho thành công của hội nghị. Tuy nhiên, quan chức ngoại giao Nga cho rằng, nếu các bên chịu lắng nghe nhau thì có thể hy vọng sẽ đạt được một số kết quả nhất định tại vòng đàm phán tới./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Bài toán khó về nhân khẩu học

Già hóa dân số là câu chuyện đã xuất hiện nhiều năm, nhưng hệ quả của tình trạng này đối với kinh tế, xã hội luôn là vấn đề nóng, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tìm được lời giải cho bài toán nhân khẩu học là chìa khóa quan trọng giúp duy trì sự ổn định, phát...

Các nước EU thông qua luật cắt giảm khí thải CO2 từ xe tải

Các nước EU đã thông qua lần cuối luật cắt giảm khí thải CO2 từ các xe tải, theo đó yêu cầu hầu hết các phương tiện hạng nặng bán tại thị trường EU từ năm 2040 phải là xe không phát thải.

Niềm tin vững chắc vào sức mạnh đoàn kết

Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh về các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2036. Cam kết đưa nước Nga trở nên mạnh mẽ hơn, bằng sức mạnh đoàn kết và các kế hoạch phát triển, Tổng thống Putin được người dân Nga tin tưởng sẽ...

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy...

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Triển vọng tươi sáng hơn của kinh tế toàn cầu

Dự báo của giới chuyên gia phân tích và các định chế tài chính cho thấy, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 có thể tươi sáng hơn so với các dự báo trước đây. Theo đó, kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% trong năm nay.