Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo

Đói nghèo là lực cản đối với sự phát triển bền vững của toàn nhân loại. Cuộc đấu tranh chống lại nghèo đói vì vậy luôn được đặt vào trung tâm trong mọi chương trình hành động quốc gia và quốc tế. Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo là dịp để cộng đồng quốc tế cùng nêu cao quyết tâm hành động nhằm hướng tới một cuộc sống đầy đủ, ấm no và hạnh phúc.



Cần có hành động dứt khoát để xóa đói giảm nghèo trên khắp thế giới.

Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo đầu tiên được kỷ niệm cách đây 27 năm. Ngày 17/10/1987, khoảng 100.000 người đã tập trung tại quảng trường Trocadéro ở Paris (Pháp), nơi bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền đã được ký vào năm 1948, để tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực, nghèo cùng cực và nạn đói. Họ tuyên bố rằng nghèo đói là một sự vi phạm các quyền con người, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải cùng chung tay hành động để bảo đảm rằng các quyền con người được tôn trọng. Niềm tin, niềm hy vọng đó của đông đảo quần chúng đã được khắc trên một hòn đá tưởng niệm được dựng lên vào ngày này.

Kể từ đó, hằng năm, vào ngày 17/10, mọi người dân, từ mọi quốc gia, với mọi nguồn gốc, tín ngưỡng đều tập hợp lại để nối dài các cam kết và thể hiện tình đoàn kết với người nghèo. Một bản sao của hòn đá kỷ niệm đã được đặt trong khu vườn thuộc trụ sở chính của Liên hợp quốc và đây cũng chính là nơi Ban Thư ký của Liên hợp quốc ở New York tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm.

Với Nghị quyết 47/196 thông qua vào ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 17/10 hằng năm là Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo và kêu gọi tất cả các quốc gia cùng kỷ niệm ngày này, tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng nước mà tiến hành các hoạt động cụ thể nhằm loại bỏ nghèo đói và khổ đau.

Nghị quyết của Liên hợp quốc cũng tiếp tục mời gọi các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ giúp đỡ các nước, theo yêu cầu của họ, trong việc tổ chức các hoạt động quốc gia để đánh dấu ngày kỷ niệm và yêu cầu Tổng thư ký để có những biện pháp cần thiết, trong phạm vi nguồn lực sẵn có, bảo đảm sự thành công của các hoạt động do Liên hợp quốc thực hiện nhân dịp Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo. Ngày kỷ niệm này không chỉ là một cơ hội để tôn vinh những nỗ lực và cuộc đấu tranh của những người sống trong nghèo đói mà còn tạo ra cơ hội cho những người này thể hiện tiếng nói của mình.

Thực trạng nghèo đói trên thế giới

Mục tiêu đầu tiên trong số các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm nghèo cùng cực và nạn đói với mục đích để cho mỗi người dân trên trái đất có thể thỏa mãn được các nhu cầu thiết yếu của họ là: Dinh dưỡng, y tế, chỗ ở và giáo dục. Tuy nhiên, cho đến nay, an ninh lương thực vẫn là thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo được Liên hợp quốc công bố ngày 16/9 vừa qua, mặc dù các quốc gia đã đạt được tiến bộ trong nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo nhưng thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Số người bị đói trên thế giới đã giảm 100 triệu người trong 10 năm qua nhưng vẫn chiếm tỷ lệ 1/9 dân số toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Á. Hiện nay, thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người nghèo và đa số đó còn thiếu lương thực, thực phẩm.

Một đánh giá khác của Liên hợp quốc cũng cho thấy hơn 1/3 dân số thế giới vẫn còn thiếu cơ hội tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu vốn là thuốc đáp ứng các nhu cầu y tế ưu tiên hàng đầu của người dân. Trong khi đó, những người này cần phải luôn luôn được tiếp cận với các hệ thống y tế hoạt động, với số lượng đầy đủ và dạng thức thích hợp, với chất lượng bảo đảm và giá cả phải chăng ở cấp độ cá nhân, cộng đồng.

Báo cáo của Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT) lại chỉ ra rằng, các trẻ em trong những khu ổ chuột thường là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử một cách có hệ thống. Vì nghèo, những khu ổ chuột xuất hiện và gia tăng trên khắp thế giới, là nơi trú ẩn trong điều kiện không ổn định của khoảng 1 tỷ người – 1/3 dân số đô thị của thế giới. Tại khu vực châu Phi cận Sahara, tỷ lệ tăng trưởng đô thị và tăng các khu ổ chuột ở mức cao nhất thế giới. Thêm vào đó, những người tị nạn cũng là nhóm dân số không được ở trong những nơi thích hợp. Dù nhiều năm sau xung đột song vẫn còn một lượng lớn người tị nạn vẫn phải ở trong các trại. Cơ hội việc làm của họ bị hạn chế và khả năng được giáo dục cũng như y tế đều vô cùng thiếu thốn. Chính vì vậy, hoàn toàn không ngạc nhiên khi những người tị nạn thường trở nên phụ thuộc vào các nguồn viện trợ, phải sống trong nghèo đói và không bao giờ có thể phát huy được tiềm năng của mình.

Ngoài ra, giáo dục cũng là một nhu cầu thiết yếu và những người rất nghèo thường chưa có quyền tiếp cận. Báo cáo mới đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cho thấy, hiện nay, ước tính có khoảng 58 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tới trường. Điều này có nghĩa chúng ta sẽ không đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2015.

Báo cáo của UNESCO chỉ ra nếu xu hướng này tiếp tục đồng nghĩa với khoảng 15 triệu trẻ em gái và 10 triệu trẻ em trai có thể sẽ không bao giờ được tới trường. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia châu Phi cận Sahara, nơi bùng nổ dân số và thống kê được khoảng hơn 30 triệu trẻ em không được đi học.

Không những thế, quyền được lao động vốn là một cách thức quan trọng để thoát ra khỏi nghèo đói cùng cực, nhưng tiếc là quyền này lại không được bảo đảm cho một bộ phận lớn dân cư. Sự suy thoái trong thị trường lao động gây ra bởi cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2007 đến nay vẫn tiếp tục gây nên sự sụt giảm mạnh về việc làm.

Hãy suy nghĩ, quyết định và cùng nhau hành động chống đói nghèo cùng cực

Năm 2014, chủ đề của Ngày quốc tế xóa đói, giảm nghèo được lựa chọn là: “Đừng lãng quên ai: Hãy suy nghĩ, quyết định và cùng nhau hành động chống đói nghèo cùng cực” nhằm mục đích nhấn mạnh nhiệm vụ phức tạp của việc bảo đảm sự tham gia của những người sống trong nghèo đói cùng cực và bị gạt ra ngoài lề xã hội trong chương trình phát triển giai đoạn sau năm 2015, tiếp theo các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: “Chúng ta đã đạt được mục tiêu Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ là giảm một nửa tỷ lệ người dân sống trong nghèo đói trước thời hạn. Ít nhất 700 triệu người đã thoát khỏi đói nghèo cùng cực trong giai đoạn giữa năm 1990 và 2010”.

Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, mặc dù đạt được thành công vang dội này song cứ 5 người ở các khu vực đang phát triển thì vẫn còn 1 người – tương ứng với con số 1,22 tỷ người – phải sống dưới mức 1,25 USD/ngày và 2,4 tỷ người phải sống dưới mức 2 USD/ngày.

Thêm vào đó, kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính, tình trạng bất bình đẳng đã tiếp tục gia tăng, thậm chí còn rõ rệt hơn so với giai đoạn trước đó. Phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn tồn tại, cản trở sự phát triển của nhân loại và lấy đi một trong những chìa khóa để hướng tới sự tiến bộ.

Nhân Ngày quốc tế xóa đói giảm nghèo, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế không được lãng quên và đánh mất các nghĩa vụ cơ bản của mình là xóa mọi hình thức nghèo đói còn tồn tại trên thế giới. “Tôi kêu gọi các nước thành viên và tất cả các đối tác cùng hành động dứt khoát để xóa đói giảm nghèo và xây dựng một tương lai bền vững, hòa bình, thịnh vượng và công bằng cho tất cả mọi người. Mục đích của chúng ta là phải đạt được sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, không phải chỉ là một vài cá nhân” – ông nhấn mạnh./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.