Lào Cai: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa

Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa đã được Tỉnh ủy Lào Cai cụ thể hóa bằng Đề án số 13 “Phát triển thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015” và Đề án số 9 “Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2011 – 2015”.
 
Kết quả phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc trước hết thể hiện bằng việc hình thành hệ thống các làng du lịch cộng đồng (Bản Dền, Tả Van, Cát Cát, Tả Phìn – Sa Pa; Trung Đô, Bản Phố, Na Hối, Tả Van Chư – Bắc Hà...). Loại hình này đã huy động được cả cộng đồng làm du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Thông qua phát triển du lịch cộng đồng, nhiều cơ sở lưu trú tại gia đã được hình thành, đến nay Lào Cai đã có 80 nhà dân tham gia làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch (homestay), tập trung chủ yếu tại các khu du lịch Sa Pa và Bắc Hà. Đồng bào tham gia kinh doanh du lịch cộng đồng có mức thu nhập bình quân 25 – 30 triệu đồng/hộ/năm từ việc thu tiền lưu trú, ẩm thực, bán các mặt hàng thủ công truyền thống và tham gia hướng dẫn du lịch.
 


Dinh thự Hoàng A Tưởng, huyện Bắc Hà.

Du lịch gắn với di sản văn hóa tâm linh dọc sông Hồng cũng được Lào Cai chú trọng. Đến nay toàn tỉnh đã có 27 di tích văn hóa lịch sử, danh thắng (trong đó có 17 di tích, danh thắng cấp Quốc gia). Đặc biệt các quần thể di tích đền Thượng và đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn du khách đế thăm quan, chiêm bái. Các di tích văn hóa lịch sử khác như Bãi đá cổ Sa Pa, dinh thự Hoàng A Tưởng cũng là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nỗ lực sưu tầm các hiện vật, bảo tồn lễ hội truyền thống cũng đang góp phần hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở Lào Cai. Hiện tỉnh đã tiến hành sưu tầm được hơn 300 hiện vật, chủ yếu là trang phục, công cụ, dụng cụ của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bảo tồn, duy trì 6 lễ hội tiêu biểu các dân tộc Lào Cai gồm: Lễ hội Gầu tào của người Mông, Lễ hội xuống đồng của  người Tày, Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy, Lễ hội tạ ơn trâu của người Bố Y, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội “Gặt Tu Tu” của người Hà Nhì đen ở Ý Tý (Bát Xát). Các lễ hội được tái hiện từ địa điểm, thời gian, nghi thức đến đối tượng tham gia, góp phần tạo ra các sản phẩm hấp dẫn cho loại hình du lịch văn hóa. Riêng Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Pha Long hằng năm đã thu hút khoảng 15.000 người dân và du khách tham dự. Nghi lễ cấp sắc của người Dao, Lễ hội Gầu tào của người Mông và nghi lễ Then của người Tày ở Lào Cai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 


Lễ hội trên mây Sa Pa.

Những năm gần đây, các giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao Lào Cai đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác thành các chương trình du lịch đặc trưng. Chợ phiên vùng cao giờ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Trong đó nổi tiếng là chợ phiên Mường Hum, Ý Tý (Bát Xát), Bắc Hà, Cốc Ly, Lùng Phình (Bắc Hà), Cán Cấu (Si Ma Cai), Cao Sơn, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (Mường Khương). Chợ phiên Bắc Hà được Tạp chí du lịch Serendib bình chọn là 1 trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Nơi đây, có khu dành riêng cho người dân bản địa bày bán, giới thiệu các món ẩm thực độc đáo như rượu ngô Bản Phố, thắng cố ngựa phục vụ du khách thập phương.

Việc bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống cũng được tỉnh Lào Cai chú trọng. Nhiều làng nghề đã xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Sa Pa, Bắc Hà là nơi hội tụ các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Nơi đây, các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, rèn đúc, nấu rượu đã trở nên rất nổi tiếng và có sức hút mạnh mẽ đối với du khách. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Lào Cai đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống thông qua hoạt động du lịch.

Ngoài ra, để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, hằng năm tỉnh Lào Cai đều tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn như: Lễ hội Đền Thượng, Đền Bảo Hà, Lễ hội trên mây Sa Pa, Giải leo núi Fansipan, Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà. Các sự kiện văn hóa du lịch được tuyên truyền quảng bá mạnh và bước đầu thu hút được các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các chương trình du lịch gắn với các sự kiện để thu hút du khách./.
Hoàng Liên

Tin Liên Quan

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi

Sáng 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường. Đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của đất nước.

Để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong kỷ nguyên số

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.