UNESCO cảnh báo tình trạng suy giảm nguồn viện trợ cho giáo dục

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), viện trợ cho giáo dục đã giảm xuống đáng kể: Hơn 6% trong giai đoạn 2010 – 2011 và 3% trong năm 2012. Giáo dục cơ bản giúp trẻ em có được những hiểu biết và kỹ năng nền tảng hiện cũng chỉ nhận được khoản hỗ trợ tương tự như vào thời điểm năm 2008.
 


Các khoản đầu tư cho giáo dục đã giảm trong bối cảnh còn nhiều trẻ em chưa được đến trường. (Ảnh: UNICEF)

Vào thời điểm chỉ còn đúng một năm trước thời hạn để đạt được các mục tiêu "Giáo dục cho mọi người" thì vẫn có tới 57 triệu trẻ em và 69 triệu thanh thiếu niên không được đi học trên toàn thế giới. Những con số trên vừa được công bố trước hội nghị các nhà tài trợ dự kiến tổ chức tại Brussels (Bỉ) vào ngày 25 và 26/6 tới đây, trong đó các nhà tài trợ được khuyến khích tăng cường đầu tư thêm 3,5 tỷ USD cho giáo dục ở các nước nghèo nhất.

"Khi rất nhiều chàng trai và cô gái vẫn không được đi học thì việc giảm sút các khoản tài trợ cho giáo dục tiếp tục xảy ra là một vấn đề nghiêm trọng đáng được lưu tâm", Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết. "Tăng cường hỗ trợ bên ngoài cho giáo dục là một nghĩa vụ đạo đức và vì sự phát triển. Chúng tôi nhận thấy rõ sự khác biệt mà khoản viện trợ nhằm mục tiêu tốt có thể mang lại để giúp các quốc gia xem một nền giáo dục có chất lượng là một ưu tiên".

Báo cáo cho thấy viện trợ luôn luôn giữ vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia, chiếm hơn 1/4 chi tiêu công cho giáo dục ở 12 quốc gia. Tuy nhiên, với sự suy giảm 10% dòng viện trợ cho ngành này, rõ ràng các nhà tài trợ đã thôi xem giáo dục là ưu tiên phát triển.

"Tình trạng suy giảm đáng báo động nguồn viện trợ này diễn ra trong bối cảnh thâm hụt khoản kinh phí đầu tư hằng năm 26 tỷ USD cho giáo dục. Trừ khi xu hướng tiêu cực này được đảo ngược, khả năng đạt được các mục tiêu toàn cầu về giáo dục rất khó có thể được hoàn thành – ngay cả khi các mục tiêu mới cho giáo dục được thiết lập cho đến năm 2030", Giám đốc Báo cáo giám sát toàn cầu "Giáo dục cho mọi người" Aaron Benavot nhấn mạnh.

"Với các khoản viện trợ thấy rõ là không chắc chắn, các Chính phủ cần khẩn trương cải thiện nguồn tài chính nội bộ của mình, bao gồm cả việc quản lý tốt hơn các hệ thống thuế để quá trình phát triển đất nước không bị rơi vào vòng nguy hiểm".

Việc cắt giảm viện trợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia hiện đang còn xa nhất mới đạt được ​​các mục tiêu về giáo dục. Ở vùng châu Phi cận Sahara, nơi có hơn một nửa số trẻ em không được đi học trên thế giới, viện trợ cho giáo dục cơ bản giảm trong giai đoạn 2010 – 2011 và không tăng trong giai đoạn 2011 – 2012. Từ năm 2010, 12 nước châu Phi đã chứng kiến tình trạng cắt giảm 10 triệu USD hay thậm chí còn nhiều hơn trong các chương trình viện trợ cho giáo dục cơ bản.

Hai quốc gia phải gánh chịu cắt giảm lớn nhất trong viện trợ cho giáo dục cơ bản giai đoạn 2010 – 2012 là Ấn Độ và Pakistan, mặc dù cả hai nước này đều nằm trong số 5 quốc gia có số trẻ em không được đến trường nhiều nhất thế giới.

Viện trợ cho giáo dục cơ bản tại các nước có thu nhập thấp đã tăng nhẹ vào năm 2012 so với tình trạng suy giảm trong năm 2011, nhưng mức độ vẫn còn thấp hơn so với năm 2010. 22 quốc gia có thu nhập thấp nhận được ít viện trợ cho giáo dục cơ bản hơn 2 năm trước đây./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.

Tầng ozone của Trái đất đang phục hồi khả quan

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), tầng ozone của Trái đất “đang phục hồi khả quan” sau rất nhiều nỗ lực của toàn nhân loại.

Thách thức lớn cho tương lai của Liên minh châu Âu

Mối quan hệ giữa Đức và Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của EU. Tuy nhiên, với những cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở cả hai nước, tương lai của EU đang đứng trước nhiều thách thức.