Lấp lánh chợ bạc Mường Hum

Tôi đã từng đi nhiều phiên chợ vùng cao trong tỉnh, mỗi chợ phiên có nét bản sắc riêng khiến mình nhớ tới. Đến chợ Mường Hum (Bát Xát), ngoài sự đông vui, nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu, điều để lại ấn tượng hơn cả là góc chợ nhỏ lấp lánh ánh bạc.



Người Dao đỏ giới thiệu các sản phẩm bạc do mình chế tác.

 
Chen vai trong dòng người chật ních, nếu không để ý hoặc không phải người Dao đỏ thì ít người biết đến góc chợ nhỏ ngay gần đầu cầu qua suối Mường Hum. Ở những khu vực khác rực rỡ đủ sắc màu trang phục các dân tộc, nhưng riêng lối nhỏ dẫn vào chợ bên suối ấy rực lên màu đỏ của những chiếc mũ đội đầu của các cô, các chị người Dao đỏ.

Họ không chỉ là người ở xã Mường Hum, mà còn từ các xã: Nậm Pung, Dền Sáng, Trịnh Tường đổ về, thậm chí từ Tả Phìn (Sa Pa) và tận tỉnh Lai Châu sang. Họ chụm lại để trò chuyện và chủ đề chính là trao đổi, mua bán những đồ trang sức đắt tiền bằng bạc trắng để tô điểm cho bộ váy áo của mình thêm sang trọng.

Giữa những người phụ nữ vây quanh, bà Lý Tả Mẩy, thôn Séo Pờ Hồ, xã Mường Hum đang giới thiệu các sản phẩm bằng bạc do chính gia đình chế tác. Đây là bộ Lìn Đao (dây chuyền dài) để đính vòng quanh mũ, có treo thêm các đồng xu có hình Nữ thần Tự do, giá 3 triệu đồng. Đây là bộ Lả Kháo (cúc bạc) có hai loại: Loại cúc nhỏ tròn xoe như viên bi được mài sáng bóng và loại cúc to bản hình chữ nhật trạm trổ hoa văn tinh tế. Mỗi chiếc cúc to trị giá 300.000 đồng.

Tôi thích thú ngắm nhìn chùm chuông bạc (Nhàn Lình) rất đẹp mắt, được làm công phu, mỗi khi giơ lên, chuông phát ra tiếng kêu rinh reng nghe rất vui tai. Rồi vòng cổ, vòng tay bằng bạc, hoa tai, nhẫn bạc đắt tiền.

Góc chợ này còn là nơi tụ hội của nhiều tay thợ chạm khắc bạc giỏi từ các thôn, bản đến để khoe sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chế tác bạc. Điều đặc biệt là người Dao đỏ không bày bán trang sức bạc xô bồ như những mặt hàng khác mà cầm trên tay giới thiệu. Các chị, các cô không ngần ngại ướm thử trang sức bạc lên bộ váy áo của mình để chọn mua. Góc chợ bạc không ồn ào như khu bán thổ cẩm, đồ gia dụng, ở đây người ta trao đổi, nói chuyện cũng nhẹ nhàng, kín đáo hơn.

Người Dao đỏ coi trọng bạc hơn các kim loại khác. Theo quan niệm từ xưa, ai có nhiều bạc sẽ được thần bạc phù hộ cho sức khỏe và những điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống.

Ngoài đến chợ phiên để trao đổi, mua bán, những người phụ nữ Dao đỏ còn coi đây là dịp để khoe với nhau bộ trang phục cầu kỳ, đẹp mắt, đắt tiền của mình. Họ đội trên đầu chiếc mũ quấn bằng vải đỏ rực rỡ, có đính vô số dây bạc, đồng xu, chuông bạc sáng lấp lánh như vương miện. Trên váy áo thổ cẩm thêu hoa văn cũng trang trí nhiều cúc bạc, chuông bạc, hoa sao bạc rất đẹp và lạ mắt. Giữa phiên chợ đông người, bao giờ trang phục màu đỏ rực rỡ của người phụ nữ Dao đỏ cũng nổi bật hẳn lên.

Góc chợ bạc Mường Hum không biết có từ bao giờ, nhưng cứ đến ngày chủ nhật hằng tuần, những phụ nữ Dao đỏ khắp vùng lại tụ hội về đây trong bộ trang phục lộng lẫy như một rừng hoa. Góc chợ bạc bên suối Mường Hum mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Dao đỏ vùng cao Bát Xát./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...