Lào Cai: Thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa

Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc đã tạo nên tính đa dạng văn hóa. Tính đa dạng của văn hóa thể hiện cả trong văn hóa vật thể và phi vật thể, từ kiến trúc nhà cửa, trang phục đến nghệ thuật dân gian. Di sản văn hóa đã tạo thành bản sắc riêng và cũng là nguồn lực để Lào Cai phát triển. Lào Cai đã và đang phát huy khá hiệu quả lợi thế này để thu hút khách du lịch, trở thành một trong những điểm đến được yêu thích nhất trong vòng cung Tây Bắc.
 
Ở Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương đã xây dựng thí điểm thành công mô hình làng văn hóa du lịch. Mỗi một làng khi tiến hành xây dựng trở thành một điểm du lịch đều gắn với bảo tồn các di sản văn hóa. Ở đây du khách được tham quan cảnh đẹp thiên nhiên, tham quan các nghề thủ công, xem văn nghệ, tham gia lễ hội truyền thống và nghỉ tại các căn nhà cổ truyền của đồng bào các dân tộc.
 

Trải nghiệm. (Ảnh: Gia Chiến)
 
Du lịch không chỉ phát huy giá trị bản sắc văn hóa mà còn góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng. Nhiều xã ở Sa Pa như: Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang, Cát Cát doanh thu từ dịch vụ du lịch của nhiều hộ dân đạt từ 40 - 50 triệu đồng/năm đến hàng trăm triệu đồng/năm. Ở Bắc Hà, các làng văn hóa du lịch Trung Đô, Tả Van Chư, Tà Chải, Na Hối, Bản Phố cũng ngày càng thu hút đông du khách hơn.

Thực hiện chương trình “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có một loại đặc sản trở thành hàng hóa”, hiện nay các đặc sản mang bản sắc của văn hóa các dân tộc đã được đánh thức và phát triển với nhiều loại hình khác nhau như hệ thống các ngành nghề thủ công (rèn đúc, dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc…).

Nhiều nghề thủ công của bà con các dân tộc đã được khôi phục, làm ra các sản phẩm được du khách yêu thích, nhất là du khách quốc tế. Trong đó đặc biệt như thổ cẩm của người Mông ở Cát Cát, thổ cẩm của người Dao đỏ Tả Phìn (Sa Pa) với các sản phẩm, đồ lưu niệm như áo, khăn, ví, mũ, ba lô du lịch...; sản phẩm chạm khắc bạc như nhẫn, vòng tay, sợi dây chuyền bạc, các hình kỷ niệm bằng bạc.

Các loại đặc sản mang dấu ấn văn hóa tộc người cũng đã được xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi như rượu ngô Bắc Hà; tương ớt, gạo Séng Cù (Mường Khương); su su Sa Pa, rượu San Lùng Bát Xát, hay món thắng cố trước kia chỉ xuất hiện ở các phiên chợ vùng cao Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai nhưng nay đã trở thành món ẩm thực hấp dẫn khách du lịch khi đến Lào Cai. Du khách đến thăm các làng văn hóa du lịch cũng thường có nhu cầu xem văn nghệ. Vì vậy các địa phương như Sa Pa, Bắc Hà đã khai thác rất tốt lợi thế vốn dân ca, dân vũ phong phú và đặc sắc của các dân tộc để xây dựng các đội văn nghệ dân gian phục vụ cho du lịch.

Đến nay Lào Cai đã xây dựng được một số đội văn nghệ hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên như đội văn nghệ Cát Cát (Sa Pa), đội văn nghệ Na Hối, đội xòe Tà Chải (Bắc Hà). Kho tàng tri thức bản địa rất phong phú của cộng đồng các dân tộc ở Lào Cai cũng đã được khai thác hiệu quả, trở thành các sản phẩm phục vụ du lịch.

Đến Sa Pa, du khách không thể quên tìm đến với ruộng bậc thang. Tri thức bản địa của người Giáy, người Dao, người Mông về khai khẩn làm ruộng bậc thang đã làm nên những công trình kiến trúc kỳ vĩ nhất vùng núi phía Bắc, tạo nên cảnh quan kỳ vỹ thu hút du khách.

Những tri thức áp dụng trong cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày của bà con cũng đã bước đầu được xây dựng thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách với những chương trình như “Một ngày làm cô dâu người Mông”, “Một ngày làm nông dân người Dao”, tham gia vào quy trình nấu rượu, được hướng dẫn dệt thổ cẩm, tham gia sản xuất trên ruộng bậc thang, đi thu hái thảo quả…
 

Lễ hội Đền Thượng. (Ảnh: Hà Thắng)

Với hệ thống di tích văn hóa lịch sử, danh thắng phong phú, trải đều ở các địa phương, tỉnh Lào Cai đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư thực hiện trùng tu, tôn tạo xây dựng các điểm này trở thành các điểm tham quan hấp dẫn, thành sản phẩm du lịch được rất đông du khách ưa chuộng và hàng năm mang về nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Các di tích như Đền Bảo Hà, Đền Thượng mỗi năm cũng thu từ 7 – 10 tỷ đồng; các danh thắng núi Hàm Rồng, Thác Bạc, Vườn quốc gia Hoàng Liên,…luôn là những điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Xác định phát triển du lịch văn hóa luôn phải gắn với những nét đặc sắc của địa phương nên Lào Cai đã lựa chọn hướng đi phù hợp để tránh phát triển ồ ạt, tràn lan, trùng lặp, xây dựng sản phẩm du lịch giống nhau dẫn đến tour du lịch tẻ nhạt, mất dần bản sắc. Phát triển du lịch văn hóa ở Lào Cai không chỉ coi trọng chất liệu truyền thống để xây dựng các sản phẩm du lịch, mà quan trọng hơn là thực hành các di sản văn hoá ngay tại cộng đồng theo hướng phát triển du lịch bền vững./.
Trần Hữu Sơn

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...