Thăm làng văn hóa Bản Dền

Làng văn hóa Bản Dền thuộc xã Bản Hồ, cách thị trấn Sa Pa khoảng hơn 30 km về phía Tây Nam, nơi đây có 5 dân tộc anh em: Tày, Mông, Dao, Giáy và Nùng cùng chung sống. Tuy không có được lợi thế gần trung tâm du lịch như các bản làng khác ở Sa Pa nhưng Bản Dền có khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và nhiều nét văn hoá độc đáo.
 
Từ trên cao nhìn xuống, Bản Dền ẩn hiện với mái nhà san sát trên mặt đất xen lẫn những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Các dân tộc ở đây sống quần tụ thành những khu vực khá rõ ràng. Người Tày sống ở vùng đất thấp; người Giáy, người Xá Phó và người Mông lại chọn vùng đất cao, có khi là ở lưng chừng núi, có khi lại trên đỉnh đồi. Dù dân tộc nào, ở vị trí nào của địa hình đồi núi thì những mảng xanh của lúa, những thửa ruộng bậc thang cũng kéo tận cửa nhà.
 

 
Bản Dền mùa lúa chín.

Bản Dền được bao bọc bởi hai dòng suối thơ mộng, dòng suối Hoa và dòng suối Lavi. Người dân kể rằng: Ngày xưa chàng trai Tả Van và cô gái Bản Dền yêu nhau, thường hẹn hò bên dòng suối Hoa. Một ngày kia, Thần nước bất ngờ ập đến, cuốn phăng cô gái. Chàng trai lao theo dòng nước nhưng không cứu được cô gái, chàng buồn bã lên dãy Hoàng Liên vác đá lấp suối để tìm nàng. Đá chất cao mãi và dần dần tách dòng suối làm đôi, bao bọc lấy Bản Dền. Câu chuyện tình buồn làm cho Bản Dền thêm huyền bí và lôi cuốn.

Nét văn hoá của bà con thôn Bản Dền thể hiện qua những câu hát, điệu múa và nhiều nghi lễ truyền thống. Đối với người Tày có lễ hội xuống đồng, hát giao duyên, múa xoè; người Mông có lễ hội gầu tào, múa khèn; người Giáy có lễ hội Roóng poọc,…
 


Múa sạp cùng du khách. (Ảnh: Gia Chiến)

Hiện nay, các nghề thủ công truyền thống tại Bản Dền đã được khôi phục và có xu hướng mở rộng. Nổi bật nhất là nghề trồng bông, trồng dâu nuôi tằm và dệt thổ cẩm. Thổ cẩm của Bản Dền được người phụ nữ Tày, Mông dệt thành những bộ trang phục đẹp mắt cùng nhiều sản phẩm trang trí trong gia đình và dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo nên những món hàng lưu niệm độc đáo mà còn trở thành điểm tham quan của du khách.

Bản Dền ngày nay dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn giữ được nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. 29 ngôi nhà sàn đẹp nhất bản được chọn làm điểm du lịch tại gia (homestay) - phục vụ du khách ăn ở cùng với bản làng. Từ hơn mười năm nay, khi phát triển du lịch, Bản Dền vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Du khách nước ngoài đến đây ngày một đông. Họ đến và ngủ lại 1 - 2 đêm để trải nghiệm cuộc sống của người dân nơi đây. Cũng từ hoạt động du lịch mà nhiều hộ gia đình ở Bản Dền có thu nhập từ 60 triệu đến 100 triệu đồng/năm như gia đình ông Đào A Son, gia đình ông Đào Văn Minh.

Bản Dền còn xây dựng các chương trình sinh hoạt cộng đồng, cho vay vốn xây dựng các công trình vệ sinh, làm phòng nghỉ, tổ chức các lớp tập huấn về nấu ăn, dạy tiếng Anh, hướng dẫn giao tiếp với du khách, đồng thời tổ chức cho người dân đi tham quan các mô hình du lịch của tỉnh bạn để học hỏi kinh nghiệm.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các dịch vụ văn hóa, du lịch của Bản Dền đã và đang phát triển góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ đời sống kinh tế và tinh thần người dân nơi đây./.
Hoàng Liên

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...