Cánh còn ngày xuân

Cứ mỗi độ xuân về, khi những nụ đào, nụ mận đua nhau nở bừng rực rỡ cũng là lúc bản làng đồng bào các dân tộc vùng cao lại tưng bừng tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh én, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ... Trong đó, tung còn là trò chơi đặc trưng không thể thiếu trong dịp đầu xuân mới của đồng bào Giáy, Tày và Dao tuyển ở Lào Cai.

   Tung còn là nét văn hóa đặc trưng trong hội xuân của một số dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Để chuẩn bị trò chơi diễn ra đúng ngày đã định, người ta chọn khoảng đất rộng, bằng phẳng ở khu vực trung tâm của bản để làm sân chơi, sau đó cử người chặt một cây mai cao khoảng 15 - 20 m để nguyên lá ngọn cuộn lại thành vòng tròn, xung quanh cuốn tua vải xanh đỏ biểu trưng cho vầng nhật nguyệt. Cây mai được dựng giữa khoảng đất đã chọn.

Công việc làm quả còn phân công cho các thiếu nữ khéo tay trong bản đảm nhiệm. Quả còn được làm từ nguyên liệu sẵn có, như hạt quả muồng, quả muối (đối với dân tộc Tày, Giáy), hạt cát hoặc gạo (đối với dân tộc Dao tuyển). Người ta lấy mảnh vải khâu thành những túi nhỏ cho hạt quả muối, quả muồng hoặc cát, gạo vào rồi khâu kín lại thành quả còn có hình vuông, bốn góc quả còn được đính nhiều tua vải màu sắc sặc sỡ, chính giữa quả còn đính sợi dây vải dài để làm dây còn.

Đúng ngày khai hội, khi những giọt sương còn đọng trên chồi xanh, lộc biếc cũng là lúc khắp bản trên, xóm dưới, từng đoàn người trong trang phục rực rỡ sắc màu đổ về tham gia hội xuân. Sau nghi lễ cúng xin thần làng cầu bình yên hạnh phúc cho dân bản của “Thầy mo” là phần hội, một hồi trống khai hội vang lên, trò chơi bắt đầu. Mọi người nhanh chóng chia làm hai đội (bên nam, bên nữ) đối diện nhau bên cây còn và trò chơi bắt đầu diễn ra với sự háo hức, say sưa của người chơi và sự cổ vũ nhiệt tình của người đến xem hội. Người Dao tuyển có thể tung còn không cần cây nêu mà chỉ cần tung qua, tung lại giữa hai bên nam, nữ với nhau; ai đỡ được còn đều gặp may.

Hội ném còn ngày xuân dành cho nhiều lứa tuổi. Người lớn tuổi tung còn với mong muốn rèn luyện sức khỏe. Các nam thanh, nữ tú không chỉ muốn thể hiện tài nghệ mà còn muốn gửi gắm tình cảm, ước muốn của mình thông qua cánh còn. Bởi họ quan niệm “vòng tròn” là biểu hiện của sự giao hòa giữa trời và đất, giữa âm với dương, nếu ai ném trúng vòng tròn thì người đó sẽ gặp may mắn cả năm, cả bản đó đều làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, nhà nhà ấm no, hạnh phúc./.

(Theo Báo Lào Cai điện tử)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai