Khai thác lợi thế sản xuất phân bón

Với trữ lượng mỏ quặng apatít khoảng 2,1 đến 2,5 tỷ tấn, các nhà đầu tư tại Lào Cai đang khai thác mạnh lợi thế này để sản xuất phân bón, nhất là các sản phẩm có thành phần chính là P205 (quặng apatít).


Kho hàng phân bón NPK Lào Cai.

Hiện, khu vực sản xuất phân bón trọng tâm của Lào Cai là Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, với 3 dự án đang đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất. Chúng tôi có mặt tại Chi nhánh Phân bón và Hóa chất thuộc Công ty Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam đúng ngày Chi nhánh tổ chức đại hội công nhân viên chức, nên việc sản xuất của đơn vị chỉ diễn ra hoạt động bốc xếp, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Quế, Phó giám đốc Chi nhánh hồ hởi: “Có những giai đoạn Chi nhánh hết sức khó khăn, nhưng một vài năm trở lại đây mức tăng trưởng khá tốt, việc làm của 140 công nhân, lao động được đảm bảo với mức thu nhập trung bình hằng tháng hơn 10 triệu đồng/người”.

Nhà xưởng sản xuất không gọi là lớn nhưng sản phẩm chính của Chi nhánh tới 5 loại phân bón tổng hợp NPK mang nhãn hiệu “Lào Cai” với tỷ lệ thành phần hóa học khác nhau. Điểm ưu việt của cơ chế sản xuất phân bón NPK mang nhãn hiệu “Lào Cai” là tỷ lệ hợp chất có gốc P205 (phân lân sản xuất từ quặng apatít) đạt mức cao. Ngoài ra, sản phẩm NPK của Chi nhánh có phối trộn đất mùn hữu cơ khai thác tại các điểm ruộng thụt tại Bảo Thắng, Văn Bàn nên phù hợp với nhiều loại cây trồng và khi sử dụng không gây bạc màu đất.

Theo báo cáo của Chi nhánh, trong 2 tháng đầu năm 2014, đơn vị này đã sản xuất được 4,95 nghìn tấn phân bón tổng hợp NPK, dự kiến đến cuối năm sẽ sản xuất đạt 32 nghìn tấn. Trước đó, năm 2013 đơn vị sản xuất đạt 31,5 nghìn tấn phân bón tổng hợp NPK và đã tiêu thụ hết. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm phân bón tổng hợp NPK Lào Cai đã mở rộng ngoài phạm vi Lào Cai với các tỉnh như Lai Châu, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang và Sơn La. Ông Nguyễn Văn Quế cho biết thêm: Hiện Chi nhánh đang xây dựng kế hoạch tăng năng lực sản xuất lên 50 nghìn tấn/năm và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ tới nhiều tỉnh tại khu vực miền Bắc.

Cách Chi nhánh không xa là Nhà máy Sản xuất phân bón của Công ty TNHH một thành viên supe lân (Apromaco) Lào Cai cũng đang tích cực nâng cao năng lực sản xuất phân bón với sản phẩm chính là phân lân các loại và phân bón NPK. Năm 2013, Công ty Apromaco Lào Cai đã sản xuất 87 nghìn tấn phân lân, vượt kế hoạch đề ra 42,5%, doanh thu đạt hơn 200 tỷ đồng. Thành công trong sản xuất phân lân là động lực để Apromaco Lào Cai tiếp tục đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất phân bón tổng hợp NPK với công suất 120 nghìn tấn/năm. Tháng 11/2013, dây chuyền này mới hoàn thành nhưng chỉ trong 2 tháng cuối năm đã sản xuất được gần 10 nghìn tấn sản phẩm. Ông Trần Văn Vỹ, Phó giám đốc Công ty Apromaco Lào Cai cho biết: Kế hoạch của đơn vị trong năm 2014 là sản xuất 150 nghìn tấn phân lân và sản lượng phân bón tổng hợp NPK tương đương. Không dừng lại ở các sản phẩm thông thường, Apromaco Lào Cai đang chuẩn bị đưa dây chuyền sản xuất phân lân màu, phân bón tổng hợp NPK nhiều màu để kích thích sức tiêu thụ trên thị trường, tạo sản phẩm đặc trưng của doanh nghiệp. Ông Vỹ cũng khẳng định: So với sản phẩm cùng loại thì hiện sản lượng, năng lực sản xuất phân lân của Công ty Apromaco Lào Cai chỉ đứng sau Công ty Cổ phần supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (Long An).

Một Dự án đầu tư đáng kể nữa là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số II thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM). Được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011, dự kiến đến quý IV năm 2014 Nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất lô sản phẩm đầu tiên. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và thuộc hàng “khủng” nhất của Khu công nghiệp Tằng Loỏng với tổng mức đầu tư tới 265,2 triệu USD, tương đương 5.170  tỷ đồng. Sản phẩm chính của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số II là khoảng 330 nghìn tấn phân bón DAP mỗi năm, loại phân bón tổng hợp “cao cấp”, kích thích tăng trưởng cho nhiều loại cây trồng nhưng không ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Với Dự án này sẽ góp phần hạ tỷ lệ nhập khẩu phân bón DAP từ 60% xuống còn 20%. Tính thời giá hiện tại, doanh thu từ lượng phân bón DAP của Dự án sẽ đạt khoảng 4 nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số II còn có các sản phẩm phụ, như: 420 nghìn tấn axít sunfuaríc và 162 nghìn tấn axít phốtphoríc mỗi năm. Đặc biệt, với xưởng nhiệt điện công suất 15 MW hoạt động theo cơ chế tận thu nguồn nhiệt năng dư thừa trong quá trình sản xuất phân bón sẽ tạo nguồn điện năng vài trăm triệu Kwh mỗi năm.

Về mặt chủ trương, hiện tỉnh Lào Cai đã chấp thuận để Công ty Vidifi Lào Cai đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất phân lân tại điểm quy hoạch Khu công nghiệp Tân An (Văn Bàn) với công suất 200 nghìn tấn sản phẩm/năm. Như vậy, với 4 nhà máy phân bón, Lào Cai đạt năng lực sản xuất gần 1 triệu tấn phân bón mỗi năm, đáp ứng phần lớn nhu cầu phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Lợi thế đối với các nhà đầu tư sản xuất phân bón tại Lào Cai là chủ trương của Lào Cai về “trải thảm đỏ” đối với các doanh nghiệp, nguồn quặng apatít và lợi thế đến từ quy hoạch sản xuất hợp lý. Các đơn vị sản xuất có thể nhập nguồn nguyên liệu (quặng apatít) ngay tại Nhà máy Tuyển quặng Tằng Loỏng và từ nguồn quặng do Công ty Apatít vận chuyển trực tiếp từ các khai trường. Riêng nguyên liệu axít sunphuaríc dành cho sản xuất phân lân cũng được nhập tại chỗ từ các đơn vị sản xuất, như: Nhà máy Luyện đồng Lào Cai, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số II hoặc Nhà máy Sản xuất phụ gia thức ăn gia súc. Phân bón là sản phẩm công nghiệp thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, đối với Lào Cai, lợi thế nguồn tài nguyên đã được khai thác đúng định hướng chiến lược là chế biến sâu các nguồn khoáng sản sẵn có./.
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

"Đi dân nhớ, ở dân thương"

Trong những ngày hoạt động thực tế tại các xã Xuân Quang, thị trấn Nông trường Phong Hải và xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng), hàng trăm học viên trường Cao đẳng An ninh nhân dân I đã “3 cùng” với bà con dân bản, có nhiều việc làm, hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, góp phần xây dựng hình ảnh và tạo ấn...

Lào Cai khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão số 3

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai nhiệm vụ, chủ động kiểm tra địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời báo cáo ngay...

Bồi dưỡng chuyển đổi số, kỹ năng số cho Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ an ninh cơ sở

Ngày 05/9, Ủy ban nhân dân xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa tổ chức lớp tập huấn cho gần 100 người là thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ an ninh cơ sở trên địa bàn xã.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang dự Lễ khai giảng năm học mới tại xã Liên Minh

Sáng 5/9, thầy và trò liên trường Mầm non, Tiểu học, THCS Nậm Sài, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa) tưng bừng tổ chức Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025 và đón nhận Bằng đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đến dự, chia vui cùng thầy và trò nhà trường.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường dự lễ khai giảng năm học mới tại xã Gia Phú

Sáng 5/9, tại thôn Tả Thàng, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã dự Lễ khai giảng với thầy và học trò Trường Tiểu học số I và Trường PTDTBT THCS xã Gia Phú.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong dự khai giảng năm học mới tại xã Bảo Hà

Sáng 5/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đến dự khai giảng năm học 2024 – 2025 tại cụm trường Mầm non Hoa Lan, PTDT bán trú Tiểu học và PTDT bán trú THCS Bảo Hà, huyện Bảo Yên.