Châu Phi: Gió đổi chiều

Châu Phi vốn được coi là lục địa chậm phát triển nhất của thế giới, nền kinh tế châu lục này vẫn dựa chủ yếu vào ngành nông nghiệp chăn nuôi và dịch vụ. Tuy nhiên, cơn bùng nổ thầm lặng trong lĩnh vực sản xuất tại châu Phi thực sự đang diễn ra.
 
Theo tờ The Economist (Anh), năm 2013, châu Phi có tới 4/10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đó là: Libya với mức tăng trưởng 12,2% (đứng vị trí thứ ba), Mozambique với mức tăng 8,2% (đứng thứ tám), Rwanda với 7,8% (đứng thứ chín) và Ghana với 7,6% (đứng thứ mười).

Còn theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Guinea Xích đạo là nước thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới (tính theo tỷ lệ thu hút vốn FDI trên GDP là 61,3%) và Nam Sudan có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới với mức tăng năm 2013 là 24,3%. Việc phát hiện ra dầu mỏ vào những năm 1990 đã giúp thay đổi mạnh mẽ nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nông nghiệp của nước này. Nguồn tài nguyên này giúp quốc gia này thu hút đầu tư lớn và giúp Guinea Xích đạo trở thành quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại châu Phi.

Nam Sudan, chính thức tách khỏi Sudan vào năm 2011. Bạo lực leo thang tại quốc gia này kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra hồi tháng 12, tuy nhiên năm 2013, quốc gia mới nhất thế giới này lại có tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới do sản xuất dầu bắt đầu trở lại và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bằng chứng về sức sống của ngành sản xuất châu Phi có thể thấy được ở khắp mọi nơi. H&M, công ty may mặc đa quốc gia của Thụy Điển và Primark, một công ty có trụ sở tại Ireland, đều lấy phần lớn nguyên liệu từ Ethiopia, một nước ở Đông Phi. General Electric (Mỹ) đang xây dựng nhà máy 250 triệu USD tại Nigeria để sản xuất thiết bị điện. Madecasse, một hãng sản xuất sôcôla có trụ sở tại New York đang tuyển thêm lao động để tăng cường cho đội ngũ 650 công nhân hiện có của mình tại Madagascar. Mobius Motors, một công ty Kenya do doanh nhân người Anh Joel Jackson thành lập cách đây vài năm, đang phát triển loại ôtô giá rẻ, sức bền cao có thể chạy tốt trên những con đường gồ ghề ở châu Phi. Một công ty con của Tập đoàn SRAM, nhà sản xuất phụ tùng xe đạp lớn thứ hai thế giới có trụ sở tại Chicago sẽ đầu tư vào Ethiopia.

F.K. Day, một thành viên sáng lập SRAM cho biết nơi ông đặt nhà xưởng ở châu Phi đầu tiên là Nam Phi và sắp tới ông sẽ xây thêm nhà xưởng, có thể là ở Addis Ababa (Ethiopia) và Mombasa (Kenya). Ethiopia hiện đã thu hút được nhiều công ty trong lĩnh vực công nghiệp.

Không chỉ công ty nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng đang bành trướng mạnh mẽ. Chẳng hạn, Seemhale Telecoms của Nam Phi, đang lên kế hoạch sản xuất điện thoại di động giá rẻ cho thị trường châu Phi. Hay Ali Lamu sản xuất túi xách từ những cánh buồm được tái chế và bán chúng trên các website cho khách hàng phương Tây. Nhiều doanh nghiệp đang hưởng lợi từ sự tăng trưởng ngoài khu vực sản xuất. Một ví dụ là sự phát triển của các cửa hiệu bán lẻ lớn đã khuyến thúc đẩy ngành công nghiệp nhẹ phát triển. Tại Zambia, một số lượng lớn hàng hóa tại các siêu thị là được sản xuất trong nước.

Sự phổ biến của công nghệ di động trong đó có dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã hỗ trợ cho các nhà cung cấp nhỏ lẻ thường phải đối mặt với chi phí hoạt động cao. IBM, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ lớn nhất thế giới đang nhắm đến thị trường châu Phi, từng tuyên bố rằng “phần mềm chính là ngành sản xuất của tương lai”. Người tiêu dùng sẽ vẫn muốn mua phần cứng nhưng nhu cầu nội địa tăng lên đang tạo ra thị trường cho các nhà phát triển phần mềm và ứng dụng châu Phi.

Có được những điều này là do châu Phi đã có những bước tiến lớn về giáo dục. Theo Charles Robertson, chuyên gia kinh tế trưởng của Renaissance Capital, một công ty tài chính được thành lập tại Nga, châu Phi giờ đã có nguồn nhân lực có thể tham gia một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng các công việc sản xuất tại châu Á có thể sẽ được chuyển dần sang châu Phi. Phó Chủ tịch WB Obiageli Ezekwesili cho biết, hơn 80 triệu việc làm có thể rời Trung Quốc do sức ép chi phí nhân công cao và không phải tất cả việc làm này đều được chuyển sang các nước láng giềng ở châu Á có chi phí thấp hơn. Nếu năng suất lao động châu Phi tiếp tục tăng thì nhiều trong số việc làm này có thể sẽ sang châu Phi.

Trong khi đó, trái ngược với nhiều khu vực khác của thế giới, như tại châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chi phí kinh doanh tại nhiều nơi ở châu Phi đang trở nên rẻ hơn nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện và các rào cản thương mại được tháo gỡ. Chi phí sản xuất trung bình tại Uganda đang giảm xuống. Hãng sản xuất giày Huajian của Trung Quốc đã xây dựng một nhà máy xuất khẩu cách không xa thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Trong thập niên 1990, sự trỗi dậy của các nhà sản xuất châu Á đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp ở châu Phi. Kết quả là nhiều doanh nghiệp trong số này ở châu Phi đã không thể tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với châu Á. Ở Nigeria, chẳng hạn, một thời có ngành may mặc phát triển, đã không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu giá rẻ từ châu Á. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi. Ngân hàng Thế giới cho rằng không chỉ tại Trung Quốc mà cả ở một số nền kinh tế mới nổi, do chi phí lao động tăng cao, các công ty liên doanh nước ngoài chế tạo máy móc sẽ di chuyển các nhà máy của mình đến các khu vực khác có đủ điều kiện đầu tư, sản xuất rẻ hơn, trong đó châu Phi đang nổi lên là địa điểm hấp dẫn đối với họ hiện nay.

Wolfgang Fengler, chuyên gia kinh tế tại WB, nhận xét: “Châu Phi giờ đang ở vị thế tốt để công nghiệp hóa nếu dùng đúng nguồn lực của họ”. Những nguồn lực này bao gồm nhân lực tốt, đô thị hóa, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh và các dịch vụ mạnh. Fengler nhấn mạnh: “Để điều này xảy ra, châu Phi sẽ cần phải đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng mừng là nhiều nước châu Phi đã bắt đầu giải quyết các thách thức này trong những năm gần đây”./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.