WB: Đông Á-Thái Bình Dương cần thích nghi với sự thay đổi của các mô hình thương mại và công nghệ

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Đông Á và Thái Bình Dương vẫn là một động lực lớn cho kinh tế toàn cầu, nhưng khu vực cần nhanh chóng cải cách kinh tế và hiện đại hóa để thích nghi với sự thay đổi của các mô hình thương mại và công nghệ.

Công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Công nhân làm việc tại một nhà máy may mặc ở Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - báo cáo về triển vọng kinh tế bán thường niên cho khu vực vừa được WB công bố cho biết, tăng trưởng năm 2024 của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng chưa bằng so với trước đại dịch Covid-19.

Theo đó, WB dự báo, tăng trưởng chung của khu vực có thể đạt 4,8% trong năm 2024 nhưng sẽ chững lại còn 4,4% vào năm 2025.

Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất khu vực, Trung Quốc, dự báo sẽ giảm từ 4,8% trong năm nay xuống còn 4,3% trong năm 2025.

Tăng trưởng chung của khu vực ngoại trừ Trung Quốc dự báo đạt 4,7% trong năm 2024 và 4,9% trong năm 2025, nhờ tiêu dùng trong nước tăng lên, xuất khẩu hàng hóa phục hồi và du lịch tăng trở lại.

Trong các nền kinh tế lớn hơn, chỉ có Indonesia dự kiến ​​tăng trưởng trong năm 2024 và 2025 bằng hoặc cao hơn mức trước đại dịch, trong khi tăng trưởng ở Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam dự kiến ​​sẽ thấp hơn mức trước đại dịch.

Các quốc đảo Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng ở mức 3,5% trong năm 2024 và 3,4% trong năm 2025 khi du lịch được phục hồi. Tuy nhiên, tăng trưởng đầu tư vẫn còn yếu ở nhiều nơi trong khu vực.

Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết, các quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Theo bà Ferro, để duy trì sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn, các quốc gia trong khu vực phải chủ động hiện đại hóa và cải cách nền kinh tế để thích nghi với sự chuyển đổi các mô hình thương mại và thay đổi về công nghệ.

Báo cáo của WB nhận định, căng thẳng thương mại gần đây đã tạo cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam tăng cường vai trò của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách “kết nối” các đối tác thương mại lớn.

Theo WB, các công ty Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chứng kiến doanh thu tăng gần 25% nhanh hơn so với các thị trường khác trong giai đoạn 2018-2021.

Tuy nhiên, định chế tài chính này cũng nêu rõ, bằng chứng mới cho thấy các nền kinh tế có thể ngày càng bị hạn chế trong việc đóng vai trò “kết nối một chiều” khi các quy tắc xuất xứ và hạn chế xuất nhập khẩu mới, nghiêm ngặt được áp dụng.

Ngoài ra, theo WB, bất ổn toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến các nền kinh tế khu vực. Ngoài sự bất ổn về địa chính trị, những bất định về chính sách kinh tế gia tăng có thể làm giảm sản xuất công nghiệp và giá cổ phiếu ở Đông Á-Thái Bình Dương lần lượt lên tới 0,5% và 1%.

Báo cáo cũng xem xét cách các quốc gia trong khu vực có thể tận dụng công nghệ mới để tiếp tục tạo việc làm.

Robot công nghiệp, trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng số đang thay đổi thị trường lao động trong khu vực. Từ năm 2018 đến năm 2022, sử dụng robot đã giúp tạo việc làm cho khoảng 2 triệu (4,3%) lao động chính thức có tay nghề do năng suất cao hơn và quy mô sản xuất tăng lên cũng như nhu cầu về các kỹ năng bổ sung. Tuy nhiên, robot cũng thay thế khoảng 1,4 triệu (3,3%) lao động chính thức có tay nghề thấp ở các nước ASEAN-5.

Do có nhiều vị trí công việc thủ công hơn, tỷ lệ việc làm bị AI đe dọa ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhỏ hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Song, khu vực này cũng ở vị thế kém hơn để tận dụng lợi ích năng suất của AI do chỉ 10% công việc có thể bổ sung cho AI, so với khoảng 30% ở các nền kinh tế tiên tiến.

Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, ông Aaditya Mattoo cho biết, mô hình phát triển của Đông Á dựa vào thị trường toàn cầu mở và sản xuất thâm dụng lao động đang bị thách thức bởi căng thẳng thương mại và công nghệ mới.

Theo ông Aaditya Mattoo, phản ứng tốt nhất là tận dụng các hiệp định thương mại và trang bị những kỹ năng cũng như tính cơ động cho người lao động để tận dụng các công nghệ mới.

https://nhandan.vn/wb-dong-a-thai-binh-duong-can-thich-nghi-voi-su-thay-doi-cua-cac-mo-hinh-thuong-mai-va-cong-nghe-post835587.html

Trung Hưng (Theo Báo Nhân dân)

Tin Liên Quan

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Mỹ chấm dứt cấm vận Cuba

Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại Cuba, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Tổng thống Venezuela chuyển thông điệp cảm ơn đến lãnh đạo Việt Nam

Tổng thống Maduro cho biết nhận lời mời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng như đáp lại tình cảm của các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam, ông sẽ sớm thăm lại Việt Nam nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ.

Tỉnh Miyagi của Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão lũ

Ngày 31/10, Chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Nhật-Việt tỉnh Miyagi, ông Atsushi Kamada đến Ðại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trao quà hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả của bão số 3 (tên quốc tế là Yagi), trị giá 1 triệu yen (hơn 170 triệu đồng).

Tuyên bố chung Việt Nam-UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện

Nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), lãnh đạo cấp cao Việt Nam và UAE nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện vào ngày 28/10/2024. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ...

Di sản tư liệu thế giới - nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

Từ ngày 28-29/10/2024, tại Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ở Paris (Cộng hòa Pháp) đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu.

Hợp tác quốc tế về chuyển đổi xanh

Kết thúc các cuộc thảo luận ở thủ đô Washington (Mỹ), các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch.