Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN cần tiên phong trong kết nối kinh tế, đổi mới sáng tạo

Chiều 8/10, tại thủ đô Vientiane, Lào, trong chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. ASEAN BIS 2024 được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày 8 đến 11/10 tại thủ đô Vientiane, Lào, tập trung thảo luận về các chủ đề doanh nghiệp khu vực đang quan tâm như: chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, khả năng phục hồi sức khỏe, y tế bảo đảm hoạt động doanh nghiệp và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.

ASEAN BIS 2024 đón Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cùng nhiều nguyên thủ các nước ASEAN và các nước đối tác của ASEAN đến dự, phát biểu, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp khu vực.

Ngoài ra, đại biểu dự ASEAN BIS 2024 cũng sẽ được nghe các tham luận từ các diễn giả uy tín là các bộ trưởng, quan chức cấp cao, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp lớn và uy tín trên toàn thế giới tới tham gia sự kiện.

Thủ tướng nêu rõ, cảm ơn nước chủ nhà Lào dành cho các nhà Lãnh đạo ASEAN sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình.

Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2024. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, chúng ta tự hào rằng vì trong bối cảnh đó, ASEAN vẫn vững vàng, phát triển, trong đó có sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN.

Theo Thủ tướng, không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì nền kinh tế ngừng trệ, đất nước không phát triển. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của ASEAN, là tâm điểm của tự chủ, tự cường và tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình vẫn đang khó khăn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, vì vậy các doanh nghiệp cần ủng hộ các Chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện “5 tiên phong”:

Tiên phong trong thúc đẩy tự cường, xử lý các vấn đề mới nổi, một ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân ASEAN tự cường; giải quyết các vấn đề khó khăn như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, như vậy chúng ta cùng nhau xử lý các vấn đề mang tính vấn đề toàn cầu, toàn dân, cần tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, cùng các chính phủ thực hiện Net Zero và năm 2050.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP)

Tiên phong kết nối nền kinh tế, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể: tăng cường “kết nối mềm” như xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng chính sách ưu tiên cần phải phát triển; đẩy mạnh “kết nối cứng” gồm các hạ tầng như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng liên quan phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...; tăng cường kết nối năng lượng; trong quá trình này phải luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể. Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Mọi chính sách đều phải hướng đến người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp phải tham gia thực hiện các chính sách vì mục tiêu chung. Doanh nghiệp phát triển được thì quốc gia phát triển được, doanh nghiệp khối ASEAN phát triển thì các nước ASEAN phát triển được, góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Doanh nghiệp phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để chống lại biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh; tiên phong trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT); chú trọng vấn đề an ninh mạng, những mặt trái của công nghệ; làm mới các động lực tăng trưởng cũ, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Tiên phong đột phá về các hạ tầng chiến lược: từng quốc gia phải tiên phong phát triển hạ tầng chiến lược thì mới kết nối được; tiên phong trong xây dựng thể chế, chính sách, tiên phong trong quản trị với tinh thần chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.

Tiên phong trong hội nhập với nội khối và thế giới: không có quốc gia nào giải quyết các vấn đề trên thế giới, vì vậy phải đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế; doanh nghiệp cũng phải tăng cường đoàn kết, liên kết với các doanh nghiệp nội khối, doanh nghiệp thế giới để chung tay với các Chính phủ giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân.

Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, hình thành cơ sở lý luận để phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột là: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt trong 3 trụ cột này là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, đồng thời là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam đang thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; là bạn bè tốt, đối tác tốt, là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; tiến hành 3 đột phá chiến lược về hạ tầng, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực; kinh tế độc lập nhưng tích cực, chủ động hội nhập; xác định an ninh quốc phòng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; coi trọng an sinh xã hội, công bằng xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh vì nhân dân phục vụ, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, vì nhân dân, tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nay đã vươn lên là nền kinh tế đứng từ 34 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người đã đạt hơn 4.300USD/người; tăng trưởng kinh tế được duy trì ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, thu hút mạnh đầu tư nước ngoài.

Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư, các doanh nghiệp phát huy hết sự sáng tạo, phát huy hết mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, các doanh nghiệp ASEAN nói riêng đã đến đầu tư kinh doanh, hợp tác với Việt Nam, đóng góp vào quá trình phát triển Việt Nam với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, thực hiện “4 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; Chính phủ phải kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, phát triển hạ tầng chiến lược để đi lại thông thoáng, giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh.

Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp hãy đến đầu tư tại Việt Nam, cùng thắng, cùng phát triển.

https://nhandan.vn/cong-dong-doanh-nghiep-doanh-nhan-asean-can-tien-phong-trong-ket-noi-kinh-te-doi-moi-sang-tao-post835532.html#835532|zone-highlight-704471|1

Theo Thanh Giang/nhandan.vn

Tin Liên Quan

Thúc đẩy phát triển hợp tác logistics Việt Nam với Thái Lan

Logistics là một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, rất quan trọng và đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhằm nâng cao năng lực phát triển của các doanh nghiệp logistics Việt Nam, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực logistics với Thái Lan cũng như thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc...

Triển lãm ASEAN Ceramics & Stone 2024 sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Với chủ đề “Tính bền vững và đa dạng thông qua đổi mới và hợp tác”, Triển lãm ASEAN Ceramics 2024 có sự tham dự nhiều gian hàng của các quốc gia, như: Đức, Italia, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp ASEAN

Ngày 24/10, các Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lần thứ 46. Hội nghị tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thực thực phẩm, nông nghiệp và lâm nghiệp.

Đẩy mạnh triển khai các dự án lớn kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Lào

Tối 24/10, theo giờ địa phương, nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ tại AIPA-45

Chiều 21/10, tại thủ đô Vientiane, Lào, diễn ra Lễ bế mạc Đại hội đồng liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch AIPA-45 Saysomphone Phomvihane.

Khẳng định vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy kết nối và tăng trưởng bao trùm của ASEAN

Sáng ngày 19/10, Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN lần thứ 45 (AIPA-45) đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Thủ đô Vientiane, Lào, với sự tham dự của đoàn đại biểu các Nghị viện/Quốc hội thành viên, Quan sát viên và Đối tác phát triển của AIPA.