Chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người

Ngày 27/9 vừa qua, trong khuôn khổ khóa họp thường kỳ lần thứ 57, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam, đánh dấu việc Việt Nam đã hoàn thành rà soát chu kỳ IV để bước sang giai đoạn thực hiện các khuyến nghị. Kết quả này góp phần khẳng định chính sách nhất quán cũng như những nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo đảm thực thi quyền con người.

Khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân góp phần bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (Universal Periodic Review - UPR) là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhằm định kỳ kiểm tra hoạt động nhân quyền thể hiện thông qua việc rà soát chính sách, pháp luật, biện pháp và kết quả đạt được trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của 193 quốc gia thành viên. Kể từ khi cơ chế UPR ra đời năm 2008 đến nay, Việt Nam đã tham gia đầy đủ và có trách nhiệm đối với tất cả các chu kỳ.

Liên quan đến cơ chế UPR chu kỳ IV, tháng 1/2024, Việt Nam đã nộp báo cáo quốc gia tới Hội đồng Nhân quyền và đã có Phiên đối thoại với Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền về UPR vào tháng 5/2024; trong đó Việt Nam nhận được 320 khuyến nghị từ 133 nước. Thông báo với Hội đồng Nhân quyền quyết định chấp thuận 271 trên tổng số 320 khuyến nghị các nước đưa ra tại Phiên đối thoại về báo cáo quốc gia vào tháng 5/2024, đạt tỷ lệ 84,7%, cao nhất trong 4 chu kỳ, Việt Nam tái khẳng định cam kết và chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và sự coi trọng đối với cơ chế UPR và Hội đồng Nhân quyền.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ðỗ Hùng Việt - Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định lập trường này được xây dựng trên cơ sở tiến hành xem xét, rà soát kỹ lưỡng các khuyến nghị với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan liên quan. Dự kiến một Kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị này sẽ được xây dựng và triển khai trong thời gian tới trên tinh thần đối thoại và hợp tác.

Liên quan đến Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV, Việt Nam đã xây dựng và bảo vệ cùng thời điểm với nhiều Báo cáo quốc gia về thực hiện một số điều ước về quyền con người và Báo cáo quốc gia Rà soát tự nguyện về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Do đó, Việt Nam có cơ sở vững chắc để xác định tương đối đầy đủ các nội dung cần chuẩn bị trong đối thoại với các nước.

Nội dung Báo cáo chu kỳ IV đã tập trung rà soát việc thực hiện các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận tại lần rà soát trước và cập nhật những phát triển mới trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam. Báo cáo cũng chỉ rõ những thách thức còn tồn tại và các hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự thụ hưởng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của mỗi người dân. Báo cáo được xây dựng một cách toàn diện với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân.

Trong bài phát biểu khai mạc Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ðỗ Hùng Việt khẳng định: “cam kết của Việt Nam đối với quyền con người được khẳng định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm trên thực tiễn và đạt được những kết quả cụ thể, đặc biệt là trong gần bốn thập kỷ Ðổi mới. Ðã có những chuyển biến rõ rệt trên khắp đất nước, và trong cuộc sống người dân Việt Nam”.

Ðiều đó đã được chứng minh trên thực tế: từ một quốc gia phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, và góp phần vào duy trì an ninh lương thực trong khu vực và thế giới. Từng nằm trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới, nhưng Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Trong giai đoạn từ năm 1989 tới 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 40 lần.

Trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo. Và trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2022, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá những kết quả này là “minh chứng rõ nét cho sự quật cường và nỗ lực của người dân Việt Nam, và các chính sách lấy người dân làm trung tâm của phát triển”.

Tham dự khóa họp thường kỳ lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vừa qua, đại diện các nước và nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đánh giá cao sự tham gia nghiêm túc của Việt Nam và ghi nhận những tiến bộ mọi mặt ở Việt Nam về hoàn thiện thể chế, pháp luật về quyền con người, phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới sáng tạo, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.

Nhìn lại chặng đường từ chu kỳ UPR đầu tiên cho đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về quyền con người, và sau đó trên cơ sở Hiến pháp, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện hơn 100 văn bản pháp luật khác nhau. Việt Nam cũng nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và hợp tác quốc tế về quyền con người.

Ðến nay Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, tham gia 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Việc triển khai các điều ước được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ bằng hành lang pháp lý và hệ thống chính sách đồng bộ và đã đạt được những kết quả toàn diện. Việt Nam luôn coi trọng đối thoại, hợp tác với các nước, đối tác trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Tại các diễn đàn đa phương như Ðại hội đồng, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp vào quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đề xuất các sáng kiến, hợp tác trao đổi với các nước, các cơ chế liên quan, được các nước ghi nhận, đánh giá cao.

Hiện Việt Nam đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 với 8 ưu tiên lớn trong các lĩnh vực: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao luật pháp quốc tế; Quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; Chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; Thúc đẩy bình đẳng giới; Quyền con người trong bối cảnh chuyển đổi số; Quyền sức khỏe; Quyền việc làm; Quyền tiếp cận giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người.

Tuy nhiên, với cách nhìn cực đoan, phiến diện, thiếu thiện chí ngay sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam, một số tổ chức, cá nhân đã lập tức bày tỏ sự bất mãn về kết quả này, đưa ra những nhận định sai lệch, thiếu khách quan, không chính xác về tình hình nhân quyền tại Việt Nam, công kích việc Việt Nam thực thi các khuyến nghị theo cơ chế UPR.

Như việc xuyên tạc rằng “các điều luật về an ninh quốc gia của Việt Nam rất mơ hồ, Việt Nam muốn sử dụng các điều luật này để bắt bớ bất cứ ai đang chỉ trích chính quyền”; “những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền sẽ luôn luôn sống trong bầu không khí sợ hãi vì họ có thể bị bắt bất cứ khi nào”... Ðồng thời một số tổ chức, cá nhân tiếp tục kêu gọi trả tự do cho những người mà họ gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, chỉ trích chính quyền Việt Nam cầm tù những người này vì thực thi các quyền cơ bản của họ.

Thực tế là, không phải tới bây giờ mà nhiều năm qua, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc, nhân quyền... để chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, trong đó vấn đề nhân quyền thường được tập trung đem ra để xuyên tạc, vu cáo, bôi đen với nhiều hình thức tinh vi, thâm độc, xảo trá.

Phải khẳng định rằng, ở Việt Nam không bao giờ có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”, không có cá nhân vì tự do bày tỏ chính kiến bị bắt giữ mà thực chất đó chỉ là những đối tượng vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng truy tố, xử lý theo đúng quy định. Việc những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho xã hội, cho cộng đồng bị bắt giữ và xét xử công khai, minh bạch theo các quy định của pháp luật là hết sức bình thường.

Thế nhưng các đối tượng bị xử lý hình sự này lại đang được một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí, các phần tử phản động, cơ hội chính trị cổ xúy, khoác cho danh hiệu “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”,... mà phớt lờ việc làm của những người này là vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội, chống phá chế độ, kêu gọi lật đổ chính quyền chứ chẳng liên quan gì đến cái gọi là “lương tâm”, hay “bảo vệ nhân quyền”!

Cũng như mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thế giới, Việt Nam tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người bằng hệ thống luật pháp. Do đó việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được phép xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Việc khoác cho những đối tượng này vỏ bọc “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”,... thực chất là thủ đoạn đánh tráo khái niệm nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, cố tình biến các đối tượng đội lốt dân chủ, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước, vi phạm pháp luật, phạm tội thành những công dân dũng cảm, “ngọn cờ” đấu tranh cho cái gọi là dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá, vu cáo Ðảng và Nhà nước Việt Nam.

Ðây còn là mục đích để các tổ chức, cá nhân cực đoan, thiếu thiện chí ra sức hậu thuẫn, kích động, cổ xúy những hành vi chống phá, vi phạm pháp luật, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. “Ðu bám” theo những đối tượng này, các thế lực phản động cố tình hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo cớ để can thiệp vào các công việc nội bộ của đất nước ta.

Cần nhận thức rằng, vấn đề nhân quyền mang tính phổ quát của toàn cầu song mỗi quốc gia, dân tộc, tuỳ theo đặc điểm văn hóa, lịch sử sẽ có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Bởi vậy việc áp đặt tiêu chí từ bên ngoài vào các quốc gia hay việc tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác đều không đúng với quy định của Liên hợp quốc, do đó cần phải kiên quyết lên án và ngăn chặn.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...