Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Sáng 7/10, lễ đón chính thức Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp đã được tổ chức trọng thể tại Ðiện Invalides ở thủ đô Paris.Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh TTXVN)
Trưa 7/10, tại Ðiện Elysee, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong không khí tin cậy và thẳng thắn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Macron đã trao đổi toàn diện về tình hình kinh tế-xã hội mỗi nước, quan hệ hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về những phát triển tích cực trong quan hệ giữa hai nước; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao trên các kênh Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Ðối tác chiến lược toàn diện và thống nhất các phương hướng, biện pháp lớn nhằm đưa khuôn khổ Ðối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phù hợp với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh mới. Với quyết định này, Pháp trở thành nước đầu tiên trong EU có quan hệ Ðối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Hai bên đánh giá hợp tác an ninh-quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng; nhất trí triển khai hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác đã ký; sớm tổ chức Ðối thoại chiến lược an ninh-quốc phòng; phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo sĩ quan, chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm; ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn an ninh khu vực và thế giới.
Về kinh tế-thương mại, hai bên đánh giá cao hợp tác giữa bộ, ngành, địa phương hai nước trong lĩnh vực này; nhất trí tiếp tục thúc đẩy các khoản vay ưu đãi, vay ODA cho Việt Nam; khuyến khích các cơ quan doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững; ủng hộ EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam.
Tổng thống Macron khẳng định Hiệp định EVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên; khẳng định sẽ sớm đề nghị Quốc hội thông qua EVIPA. Tổng thống Pháp đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và chuyển đổi xanh. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực có tiềm năng và Pháp có thế mạnh như cơ sở hạ tầng, hàng không vũ trụ, khoa học-công nghệ, năng lượng tái tạo, năng lượng hydrogen...
Ghi nhận những kết quả hợp tác tích cực trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới như hàng không vũ trụ, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng giao thông sân bay.
Về lĩnh vực y tế, giáo dục, hai bên nhất trí đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập với nhiều học bổng hơn nữa, khuyến khích người dân hai nước tham gia vào các sự kiện văn hóa lớn của mỗi nước.
Về hợp tác nông nghiệp, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Pháp và các nước phương Nam nhằm bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Tổng thống Macron hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò tiên phong và dẫn dắt của Pháp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác về phát triển các mô hình dựa vào hệ sinh thái, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các đô thị, vùng duyên hải ven biển, nhất là vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích.
Tổng thống Macron đánh giá cao vai trò cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, coi đây là cầu nối quan trọng giữa hai nước; khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam sinh sống và làm việc tại Pháp.
Về hợp tác đa phương, hai bên đánh giá vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực; cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Pháp với ASEAN cũng như quan hệ EU-ASEAN; tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế như ASEM, khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, Pháp ngữ, Liên hợp quốc.
Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Tổng thống Pháp nhấn mạnh Pháp đánh giá cao quan điểm của Việt Nam về chấm dứt bạo lực, giảm leo thang căng thẳng và kêu gọi các bên giải quyết các xung đột ở Ukraine, Trung Ðông... bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế. Về vấn đề Biển Ðông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
* Trước đó, phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trân trọng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị mà ngài Tổng thống, các nhà lãnh đạo cấp cao và những người bạn Pháp đã dành cho Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 11 năm quan hệ Ðối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam-Pháp đã có những bước phát triển quan trọng trong tất cả các lĩnh vực. Pháp luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ngay sau họp báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chứng kiến lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.
* Sáng 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pháp Yael Braun-Pivet. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, nhằm tạo động lực làm sâu sắc hơn hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Ðối tác chiến lược giữa hai nước; nhất trí đưa khuôn khổ quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam-Pháp lên tầm cao mới; mong muốn thúc đẩy hợp tác và tăng cường trao đổi đoàn giữa Quốc hội hai nước nhằm trao đổi kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, đồng thời phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn EVIPA nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của EU; ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.
* Chiều 7/10, tại cuộc hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam và Pháp quyết định nâng cấp quan hệ lên Ðối tác chiến lược toàn diện, thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo và đáp ứng mong đợi của người dân hai nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò tích cực của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện và nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Pháp, là cầu nối đưa hai cơ quan lập pháp và nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Chủ tịch Thượng viện Pháp nhất trí với các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước, nhất là tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới..., góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Về vấn đề Biển Ðông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao kết quả tích cực của các hội thảo, báo cáo của Thượng viện Pháp về tình hình châu Á-Thái Bình Dương và Biển Ðông. Hai bên nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
* Tại buổi tiếp Bí thư toàn quốc Ðảng Cộng sản Pháp Fabien Roussel và Ðoàn đại biểu cấp cao Ðảng Cộng sản Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ sự ủng hộ của Ðảng Cộng sản Pháp qua các thời kỳ, từ giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây đến thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo với đồng chí Bí thư toàn quốc Ðảng Cộng sản Pháp về thành tựu 40 năm đổi mới, đường lối đối ngoại của Ðảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có việc gìn giữ và thúc đẩy quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân và lực lượng cánh tả nhằm góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Ðánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực mà Ðảng Cộng sản Pháp đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Ðảng Cộng sản Pháp và Ðảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực, hiệu quả, trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn; duy trì hợp tác giữa hai báo Ðảng là Báo Nhân Dân và Báo Nhân đạo; tổ chức tốt Hội thảo lý luận lần thứ 4 giữa hai Ðảng và chuyến thăm của Bí thư toàn quốc Ðảng Cộng sản Pháp tới Việt Nam...
Bí thư toàn quốc Ðảng Cộng sản Pháp khẳng định, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa quan trọng giúp tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai Ðảng, đồng thời tạo ra dấu ấn cũng như bước phát triển mới cho quan hệ Ðối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Ðồng chí nhấn mạnh, Ðảng Cộng sản Pháp luôn trân trọng và ưu tiên phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Ðảng Cộng sản Việt Nam và sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai Ðảng, đóng góp cho quan hệ hai nước.
* Chiều 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm Trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại thủ đô Paris của Pháp và có cuộc trao đổi, làm việc với Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề cao vai trò, đóng góp của UNESCO trong gìn giữ hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển bền vững trên thế giới thông qua thúc đẩy hợp tác đa phương về giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin và truyền thông; khẳng định Việt Nam, với tư cách là thành viên của nhiều cơ chế quan trọng trong UNESCO, sẽ tiếp tục phát huy vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Giám đốc UNESCO cùng tham quan Triển lãm ảnh các di sản văn hóa và danh hiệu UNESCO của Việt Nam.
* Cùng ngày, tiếp Chủ tịch cùng một số thành viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Pháp-Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò tích cực của Hội trong việc tăng cường giao lưu, kết nối giữa nhân dân hai nước và triển khai các dự án thiết thực tại Việt Nam, mới nhất là hỗ trợ công tác phục hồi, khắc phục hậu quả do bão Yagi gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Nhà nước Việt Nam ủng hộ và tạo thuận lợi để Hội Hữu nghị Pháp-Việt Nam tiếp tục hoạt động, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam; đề nghị Hội tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đoàn kết, ủng hộ, đóng góp cho quan hệ hai nước.
* Trước đó, ngày 6/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm thành phố Le Havre và có cuộc gặp làm việc với Thị trưởng Edouard Philippe. Tại cuộc gặp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao những đóng góp tích cực của Thị trưởng Edouard Philippe đối với quan hệ Việt Nam-Pháp; bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển trong hợp tác giữa Le Havre với thành phố Ðà Nẵng, góp phần tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước trong các lĩnh vực giao lưu nhân dân, phát triển cảng biển, logistics và vận tải biển, bảo vệ môi trường biển, công nghệ hàng hải...
Khẳng định Biển Ðông là huyết mạch vận tải hàng hóa của thế giới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thị trưởng thành phố Le Havre nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
* Tối 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Paris lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp.
Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (nhandan.vn)