Rực rỡ thành phố biên cương

Những ai gắn bó với thành phố Lào Cai đều mang trong mình nhiều cảm xúc về sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của mảnh đất nơi biên cương Tổ quốc. Hơn 30 năm qua là sự phấn đấu phát triển không ngừng nghỉ, khẳng định vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của thành phố trẻ.
1.gif

Chúng tôi đến gặp ông Vũ Ngọc Cừ, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) trong một ngày giữa thu. Từng là Bí thư Thị ủy Lào Cai những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước nên ông hiểu hơn ai hết đổi thay và phát triển về kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt là giai đoạn từ khi tái lập tỉnh vào ngày 1/10/1991 đến nay. Trong câu chuyện cùng những người bạn từng gắn bó với nhau từ ngày đầu tái lập tỉnh, ông Cừ và bạn thường hoài niệm về thị xã nhỏ thuở ấy và trầm trồ với sức vóc lộng lẫy, nguy nga của thành phố đô thị loại 2 ngày nay.

Ngày ấy, sau khi tái lập tỉnh Lào Cai được gần 1 năm, ngày 9/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 205 về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới thị xã Lào Cai và lập lại thị xã Cam Đường thuộc tỉnh Lào Cai. Ngày 1/9/1992, hệ thống chính trị thị xã Lào Cai - thị xã tỉnh lỵ Lào Cai sau tái lập chính thức đi vào hoạt động.

Những năm đầu tái lập, Đảng bộ và Nhân dân thị xã Lào Cai đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Trong thị xã là những khu phố hoang tàn, ruộng nương toàn cỏ cây, lau sậy và đầy rẫy bom mìn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Thị xã bị chia cắt bởi ảnh hưởng của chiến tranh biên giới, những cây cầu nổi tiếng một thời là Cốc Lếu, Làng Giàng, Hồ Kiều bị hỏng nặng, đổ nát dưới lòng sông…

Chẳng những thế, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người ta vẫn thường truyền nhau câu thơ “Ai đem tôi đến chốn này/Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai”, để nói về thế ngăn sông, nhiều cách trở.

3.png

Toàn thị xã khi ấy chưa có điện lưới quốc gia. Các xã, tiểu khu giáp biên giới đều bị tàn phá, chưa thể xây dựng hoặc sản xuất. Nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo cao, đời sống Nhân dân khó khăn. Cả tỉnh Lào Cai và thị xã Lào Cai ngày ấy là những “vành đai trắng”, không hoang tàn, trơ trụi sau bom đạn chiến tranh thì cũng luẩn quẩn trong đói nghèo.

Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm và nhiệt huyết cách mạng, lớp cán bộ đảng viên đi đầu đã nhanh chóng lan tỏa bằng ý chí và hành động, tạo dựng niềm tin, động lực mạnh mẽ trong Nhân dân. Từ chỗ cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội, đô thị hầu như chưa có gì, nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng của Tỉnh ủy, bằng sức mạnh đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, đã biến cả thị xã khi ấy thành một đại công trường.

Ông Vũ Ngọc Cừ hoài niệm.

Chỉ sau 10 năm, cả 2 thị xã Lào Cai và Cam Đường đã hồi sinh với tốc độ thần kỳ. Hệ thống chính trị được củng cố, xây dựng vững chắc. Hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện lưới quốc gia, trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, hệ thống y tế, chợ... được khôi phục nhanh chóng. Các khu công nghiệp lớn được hình thành, các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp truyền thống được khuyến khích, thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú. Khu kinh tế cửa khẩu ngày càng mở rộng. Với chính sách thu hút hợp lý, dân cư từ mọi miền của Tổ quốc dần hội tụ về Lào Cai với niềm tin và hy vọng vào cơ hội phát triển của một thành phố đầy sức sống.

2.gif

Từ một thị xã biên giới nhỏ bé, có 8 đơn vị hành chính (gồm 3 xã và 5 tiểu khu), diện tích tự nhiên hơn 5.038 ha, dân số hơn 6.000 người, trải qua các lần điều chỉnh, sáp nhập mở rộng địa giới hành chính và hội đủ các điều kiện trở thành thành phố tỉnh lỵ năm 2004, đến nay, sau 20 năm thành lập, thành phố Lào Cai tự hào với những bước phát triển mạnh mẽ.

Bước phát triển thể hiện không chỉ ở tổng diện tích tự nhiên tăng 5,64 lần, số đơn vị hành chính tăng hơn 2 lần, dân số tăng 25 lần, mà quan trọng hơn, thành phố Lào Cai đã thực sự chuyển mình, bứt phá, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại của tỉnh Lào Cai, đồng thời là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh cũng như trong tổng thể hệ thống các đô thị của toàn quốc. Thành phố Lào Cai giữ vị trí kết nối quan trọng trong hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa của Việt Nam và ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Bà Trần Thị Nguyệt, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lào Cai.

Bức tranh đô thị sáng màu phát triển còn bởi được quy hoạch, quản lý, xây dựng đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn, hình thành rõ nét các khu chức năng, như khu trung tâm hành chính đô thị mới Lào Cai - Cam Đường; khu thương mại, dịch vụ Kim Thành; các khu dân cư đô thị, công trình phúc lợi xã hội ngày càng phát triển đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Nhiều công trình trọng điểm giao thông được hoàn thành và đưa vào sử dụng, các tuyến, trục giao thông nội thành được xây dựng từng bước đạt tiêu chuẩn; hệ thống kè sông Hồng, sông biên giới; hệ thống cầu bắc qua sông Hồng trong địa bàn thành phố đã phục vụ tốt hơn giao thương và thu hút đầu tư, góp phần tạo dựng hình ảnh đô thị Lào Cai văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.

Cơ cấu kinh tế của thành phố chuyển dịch đúng hướng, thể hiện ở tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ tăng mạnh, từ 0 lên 49,4%. Tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm trên 47%, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 2,4%.

5.png

Văn hóa - xã hội cũng không ngừng tiến bộ. Chất lượng giáo dục đào tạo luôn là lá cờ đầu của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Quốc phòng, an ninh luôn được củng cố vững chắc, chủ quyền, biên giới quốc gia được giữ vững, quan hệ đối ngoại ngày càng được mở rộng, tăng cường.

Không chỉ thành thị, khu vực nông thôn của thành phố Lào Cai cũng khoác lên mình những sắc màu rực rỡ của cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Sau gần 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến năm 2019, thành phố Lào Cai đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị biên giới duy nhất trong cả nước.

Với những kết quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền, quân, dân thành phố Lào Cai vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, như danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; danh hiệu Thành phố Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba...

Tự hào về vùng đất biên cương yên bình, tươi đẹp, đang chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước đột phá, tiếp tục đổi mới và hội nhập, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Lào Cai càng nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết xây dựng thành phố Lào Cai là đô thị loại I; là hạt nhân trong trục động lực, cực tăng trưởng của tỉnh; trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại, đối ngoại của tỉnh, đất nước, xứng đáng với truyền thống thành phố 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng; là điểm sáng toàn diện nơi biên cương của Tổ quốc.

6.png

https://baolaocai.vn/ruc-ro-thanh-pho-bien-cuong-post391173.html

Theo Tô Dung - Khánh Ly/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...