Tự hào một dải biên cương
Lào Cai - tự hào một dải biên cương, nơi niềm tin và khát vọng mãi tỏa sáng.Lào Cai - mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc, nơi từng chịu nhiều đau thương, mất mát sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm 1979. Chính trên vùng đất này, giữa bao tàn tích đổ nát đã nảy mầm hy vọng cùng sức mạnh đoàn kết và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trải qua hơn 3 thập niên kể từ ngày tái lập tỉnh 1/10/1991, Lào Cai hôm nay không chỉ là vùng đất hồi sinh, mà còn trở thành điểm sáng trên bản đồ kinh tế, văn hóa, đối ngoại của cả nước.
Trong lần trò chuyện với chúng tôi, nhớ lại ngày đầu lên Lào Cai, ông Nguyễn Quý Đăng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh không giấu được cảm xúc khi kể về cảnh tượng hoang tàn thời điểm đó. Ông bảo, khắp nơi đều là dấu vết của sự đau thương, hạ tầng đổ nát, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn. Toàn tỉnh có tới 55% hộ thuộc diện đói nghèo, cùng với nạn mù chữ và nhiều hủ tục đeo đẳng. Với tinh thần kiên cường, đoàn kết, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và người dân đã cùng nhau dựng lại quê hương, bước từng bước chắc chắn trên hành trình tái thiết.
Lớp cán bộ đầu tiên như ông Nguyễn Quý Đăng không quản ngại khó khăn, bắt tay vào công cuộc tái thiết ngay từ những ngày đầu. Đối diện với muôn vàn thử thách, họ đã tạo ra những bước đi táo bạo, khơi dậy sức mạnh nội tại của một Lào Cai anh hùng. Dấu ấn rõ nét nhất chính là quyết định phát triển mậu dịch biên giới, biến Lào Cai trở thành cầu nối giao thương quan trọng giữa các tỉnh của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.
Khi phỏng vấn ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông cho rằng đây là bước ngoặt chiến lược đã mở ra cơ hội phát triển to lớn cho tỉnh. Bên cạnh đó, việc sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường để hình thành một đô thị hiện đại, tạo tiền đề cho công cuộc “dời đô”, dành toàn bộ khu đô thị của thị xã Lào Cai cũ phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Đây cũng là quyết sách lớn đưa Lào Cai bước vào giai đoạn phát triển mới.
10 năm đầu tái lập tập trung khôi phục kinh tế, hạ tầng và ổn định tình hình đời sống người dân sau chiến tranh và tạo nền tảng vững chắc cho chặng đường tiếp theo. Bước vào những năm 2000, Lào Cai chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên thành tỉnh có tốc độ phát triển ấn tượng. Các dự án trọng điểm như tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai được hoàn thành, nối liền vùng đất Tây Bắc với đồng bằng sông Hồng, mở thông thương mới, không chỉ đưa Lào Cai xích lại gần hơn với thủ đô mà còn kết nối mạnh mẽ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc. Cùng với đó, Sa Pa - viên ngọc xanh giữa núi rừng Tây Bắc, đã được đầu tư phát triển trở thành khu du lịch quốc gia, thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước, mang lại nguồn lực phát triển to lớn cho tỉnh.
Lào Cai đã quan tâm mạnh mẽ đến các hoạt động chiêu thương và nhiều chính sách trải thảm thu hút đầu tư doanh nghiệp đến đầu tư, dựng nghiệp. Khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển” đã trở thành kim chỉ nam trong công cuộc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Các khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp liên tục được xây dựng và mở rộng, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Chính những thành quả này đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, đưa Lào Cai từ tỉnh nghèo khó trở thành biểu tượng mới của sự phát triển thịnh vượng và bền vững.
Khi đánh giá kết quả gần 40 năm Lào Cai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Tỉnh ủy Lào Cai khẳng định, sự thành công của Lào Cai không phải ngẫu nhiên. Đó là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt, của tinh thần quyết tâm không ngừng nghỉ, của khát vọng vươn lên mạnh mẽ như dòng sông Hồng cuộn chảy.
Từ việc sớm nắm tinh thần đổi mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng cụ thể hóa vào các nghị quyết, kế hoạch hành động cụ thể, bằng các quyết sách lớn, chiến lược đã đưa Lào Cai đi từ “cuối đường hầm” trở thành đầu tàu kết nối, khơi dậy tiềm năng phát triển bền vững. Điều đó tiếp tục khẳng định Lào Cai - mảnh đất kiên cường, như cây rừng trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, luôn chủ động và không ngừng sáng tạo để vượt qua hoàn cảnh, vươn lên mạnh mẽ.
Hơn 3 thập niên qua, từ một tỉnh nghèo khó, Lào Cai đã vươn lên khẳng định vị thế trong khu vực và cả nước. 40 năm đổi mới cùng đất nước, Tỉnh ủy Lào Cai chỉ rõ bài học dẫn đến thành công trước hết là đã nhận định đúng tình hình, xác định hướng đi phù hợp, đặt ra các mục tiêu với khát vọng lớn, tập trung lãnh đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh là nhân tố quyết định để khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Tỉnh cũng đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế, tận dụng và khai thác được tối đa nguồn lực cho phát triển; quan tâm, chăm lo đến công tác cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ địa phương và đội ngũ cán bộ cốt cán, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh là yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để hiện thực hóa tầm nhìn Lào Cai trên mỗi chặng đường phát triển.
Nhìn lại chặng đường 33 năm xây dựng và phát triển, những nỗ lực và thành quả của Lào Cai không chỉ ghi dấu ấn đậm nét đối với mỗi người dân mà còn là minh chứng cho ý chí và bản lĩnh không bao giờ chịu khuất phục. Những nỗ lực và thành quả đạt được đã góp phần tạo nên diện mạo mới của tỉnh, tạo đà vững chắc để Lào Cai sẵn sàng vươn xa, hội nhập và phát triển cùng cả nước.
Lào Cai - tự hào một dải biên cương, nơi niềm tin và khát vọng mãi tỏa sáng.
https://baolaocai.vn/tu-hao-mot-dai-bien-cuong-post391154.html