Chuyển đổi số mở ra không gian mới cho sự phát triển của Lào Cai
Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của thời đại. Sớm nắm bắt và triển khai sẽ mang lại cơ hội lớn cho tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai đã tập trung cho công tác lãnh chỉ đạo nhằm phát huy trí tuệ và tinh thần “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung” của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, tham mưu kiến tạo cơ chế chính sách, giải pháp đem lại kết quả bứt phá cho lộ trình chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.Những ngày đầu tái lập, Lào Cai là 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước với trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Những năm 2000, công nghệ thông tin là khái niệm khá xa lạ với Lào Cai. Nhưng chỉ hai năm sau, đến năm 2002, tỉnh Lào Cai đã phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển công nghệ thông tin tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001 - 2010”. Đây là đề án đầu tiên, đặt nền móng cho các chương trình, đề án công nghệ thông tin (sau này là chuyển đổi số) tiếp theo lần lượt được ban hành - nằm trong các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh qua từng giai đoạn.
Chúng ta đã quen làm việc trong môi trường thực từ nhiều thập kỷ nay. Chuyển lên môi trường số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen là việc khó. Thay đổi thói quen là việc lâu dài, cần sự kiên trì và bền bỉ. Do vậy, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thay đổi thói quen ở một tổ chức, một địa phương phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm của người đứng đầu. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở đâu người đứng đầu quan tâm và quyết tâm cao, ở đó chuyển đổi số sẽ thành công. Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai đã tham mưu cho tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng Ban Thường trực. 100% cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến xã đã thành lập Ban chỉ đạo do người đứng đầu làm Trưởng ban. Tỉnh quyết tâm mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số.
Công tác truyền thông nhằm chuyển đổi nhận thức được quan tâm triển khai. Đảng bộ Sở đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân và xã hội về chuyển đổi số. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tuyên truyền về chuyển đổi số trong chương trình thời sự hằng ngày và xây dựng 01 phóng sự tuyên truyền/tháng. Báo Lào Cai đã mở chuyên mục “Chuyển đổi số” với hàng nghìn tin, bài. Ngày 13/10/2022, Chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ https://chuyendoiso.laocai.gov.vn. Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai và hơn 190 cổng thành phần đã xây dựng các tin, bài, chuyên mục về chuyển đổi số. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2280 lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai.
Tiếp sau nhận thức số, nhân lực số được coi là yếu tố then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số đã được đẩy mạnh. Hội nghị phổ biến chủ trương, chính sách về chuyển đổi số được tổ chức 3 cấp tỉnh, huyện, xã cho hơn 5.000 người. Năm 2023, đào tạo cho gần 2.000 người về chuyển đổi số, kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện, các cơ quan đảng - đoàn thể cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 116.000 người dân đã được phổ cập các kỹ năng số cơ bản.
Trước kia, công nghệ thông tin được ví như “đòn bẩy” cho sự phát triển thì ngày nay, chuyển đổi số đang mở ra không gian mới cho sự phát triển. Đảng bộ tham mưu cho tỉnh ban hành trên 30 cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, quyết định về chuyển đổi số và hiệu quả ngày càng được khẳng định. Tham mưu Phê duyệt danh mục sản phẩm đặc trưng chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2023 - 2025. Nhiều giải pháp chuyển đổi số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận và đánh giá cao, một số nội dung, giải pháp giúp định hướng, đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ trong tỉnh Lào Cai mà có thể nhân rộng trên cả nước như: Cơ chế hợp tác về chuyển đổi số; chính sách thu hút, ưu đãi nguồn nhân lực; Cơ chế đặt hàng dịch vụ công nghệ thông tin; Cơ chế quản lý dự án công nghệ thông tin; Chiến lược dữ liệu...
Đ/c Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở TTTT tỉnh Lào Cai tham luận tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 tại Hà Nội.
Xác định năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", Đảng bộ Sở đã trăn trở, chỉ đạo tập trung nghiên cứu để tìm ra giải pháp, cách làm mới cho Lào Cai. Về chính sách, Trung ương cũng chưa ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia. Các Bộ, ngành chưa ban hành được đầy đủ Chiến lược dữ liệu của ngành, chưa ban hành đầy đủ danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, dữ liệu mở; chưa ban hành đầy đủ danh mục các hệ thống thông tin/phần mềm chuyên ngành mà cấp địa phương cần thực hiện. Để giải quyết “bài toán” khó nêu trên, Đảng bộ Sở Thông tin và Truyền thông đã tập trung trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài tỉnh, kết hợp các nguồn lực, hợp tác với Tập đoàn FPT để thực hiện tư vấn Chiến lược dữ liệu trong thoả thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và Tập đoàn FPT. Ngày 16/01/2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 122 phê duyệt “Chiến lược dữ liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Lào Cai là địa phương đầu tiên trong cả nước phê duyệt chiến lược dữ liệu cấp tỉnh. Chiến lược dữ liệu của tỉnh được xây dựng nhằm khai phá tiềm năng của dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của cơ quan chính quyền tỉnh, cung cấp dịch vụ thân thiện, hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Lào Cai đã công bố Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Lào Cai, phiên bản 2.0; khai trương Trung tâm điều hành đô thị thông minh; kết nối thành công nền tảng, tích hợp, chia sẻ (LGSP) tỉnh Lào Cai; khai trương Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Lào Cai; tích hợp thành công ứng dụng Zalo vào Chính quyền điện tử… đã tạo bước đột phá về ứng dụng CNTT. Đến nay, hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, trên 98% thôn, bản. Hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang kết nối và cung cấp dịch vụ đến 100% trung tâm cấp huyện, cấp xã. Hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện đại, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư, nâng cấp, mở rộng đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng dùng chung của tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu và đáp ứng cho việc triển khai chuyển đổi số.
Với quan điểm chuyển đổi số để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi, tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Đảng bộ Sở đẩy mạnh tham mưu triển khai dịch vụ công trực tuyến cho tổ chức, công dân. Đến nay, Lào Cai đã triển khai tích hợp 1.323/1.797 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, đạt 73%; 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến 59,44%, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 63,79%. Lào Cai luôn đứng trong top đầu cả nước về thực hiện bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong TTHC, cung cấp dịch vụ công.
Ngày 06/10/2023, tỉnh Lào Cai cho ra mắt ứng dụng mini app “Lào Cai số” trên nền tảng công nghệ Zalo. Ứng dụng Lào Cai số đã góp phần nâng cao trải nghiệm của người dân đối với các phần mềm chuyển đổi số, tạo đột phá trong hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến, hướng tới hình thành công dân số.
Phần mềm quản lý văn bản được triển khai hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ công việc trong các cơ quan hành chính nhà nước được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng đạt trên 95%.
Hiện, các doanh nghiệp cũng đã và đang hưởng ứng mạnh mẽ chương trình chuyển đổi số của địa phương. 100% sản phẩm OCOP của Lào Cai được đưa lên sàn thương mại điện tử; 100% DN, HTX, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử; 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu đã ứng dụng chữ kí số, hóa đơn điện tử và thực hiện khai báo thủ tục xuất, nhập khẩu trên môi trường số;... Đó là những kết quả thể hiện sự rõ nét chuyển đổi số đã tác động sâu sắc, tích cực, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Năm 2024 là năm tăng tốc chuyển đổi số, Đảng bộ Sở đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai là: Xây dựng thể chế chính sách; chuyển đổi nhận thức; đào tạo nhân lực số; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; phát triển chính quyền số - kinh tế số - xã hội số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Để chuyển đổi số đi vào thực chất, hiệu quả, trong năm 2024, tham mưu UBND tỉnh giao mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng chỉ tiêu thực hiện. Tích hợp tính năng ký số vào Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh; khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số; triển khai phổ cập cho người dân trưởng thành sử dụng chữ ký số cá nhân. Việc chuyển đổi số toàn diện, thực chất sẽ góp phần cải thiện và nâng cao Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), Chỉ số chuyển đổi số (DTI), Chỉ số Cải cách hành chính hướng tới mục tiêu đem đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn; hạ tầng thông tin viễn thông, hạ tầng số” là 1 trong 2 lĩnh vực đột phá chiến lược giai đoạn 2020 - 2025. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của các thế hệ lãnh đạo tỉnh dành cho công tác chuyển đổi số, trong bối cảnh của một tỉnh nghèo đang không ngừng nỗ lực vươn lên. Những khó khăn đã dần được khắc phục bằng ý chí và sự quyết tâm được truyền lửa qua bao thế hệ. Và từ sự quan tâm đó, công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã thực sự đem đến những đổi thay mạnh mẽ, mở ra cơ hội mới sự phát triển bứt phá, để chúng ta tiếp nối mạch nguồn khát vọng từ bao thế hệ, sớm đưa Lào Cai thoát khỏi diện tỉnh nghèo, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước, là cực tăng trưởng và là trung tâm kết nối vùng Tây Nam Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN./.