Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai
Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai biết trang trí hoa văn thổ cẩm trên trang phục, mặt chăn, túi đeo… rất phong phú, đa dạng, thể hiện cả về nguyên liệu, kỹ thuật thêu, màu sắc, bố cục. Nhiều dân tộc sử dụng vải bông làm thổ cẩm, riêng người Mông sử dụng vải từ cây lanh - loại cây lấy sợi, họ dầu gai - họ thường dùng cây chàm, củ nâu và một số lá, hoa từ cây rừng để nhuộm màu vải.
Các dân tộc thiểu số cũng sáng tạo ra nhiều loại hình kỹ thuật độc đáo. Trong số các tộc người, phát triển kỹ thuật tạo hoa văn thì người Mông đạt đến đỉnh cao. Các tộc người khác chủ yếu sử dụng kỹ thuật dệt, thêu để tạo hoa văn, còn người Mông lại sử dụng 5 kỹ thuật khác nhau, trong đó có kỹ thuật ghép các loại vải màu khác nhau tạo thành hoa văn rực rỡ và có bố cục theo băng dải lớn; kỹ thuật ghép vải và ghép đồ trang sức bằng bạc, nhôm tạo thành những mảng hoa văn ghép có giá trị. Người Xá Phó (một ngành của tộc người Phù Lá) bên cạnh kỹ thuật thêu là chủ đạo, họ sáng tạo kỹ thuật đính hạt cườm vào trang trí hoa văn thổ cẩm...
Các tộc người ở Lào Cai có các loại hình kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm: Thêu, dệt, ghép vải, in sáp ong, ghép kim loại, ghép hạt cườm. Bên cạnh sự phong phú về kỹ thuật, nghệ thuật sử dụng màu sắc, phối màu của các dân tộc cũng đa dạng. Người Tày, người Nùng chủ yếu sử dụng màu chàm làm màu chủ đạo, người Mông hoa, người Dao đỏ lại sử dụng gam màu nóng (màu đỏ, vàng) làm gam màu chủ đạo của các họa tiết hoa văn.
Sự phong phú của hoa văn còn phản ánh theo các loại hình bố cục khác nhau. Các tộc người Tày, Nùng sử dụng nhiều loại hoa văn theo bố cục băng dải ngang, người Mông sử dụng nhiều bố cục băng dải dọc. Bố cục thành từng ô cũng là đặc điểm nổi bật ở một số tộc người có kỹ thuật dệt hoa văn. Sự phong phú về chất liệu, màu sắc, bố cục, nguyên liệu đã làm nên vẻ đẹp đa dạng của hoa văn thổ cẩm.
Hoa văn thổ cẩm giàu giá trị nhưng muốn trở thành sản phẩm du lịch cần đáp ứng được nhu cầu của du khách. Khi đến các làng, bản, của đồng bào dân tộc thiểu số, du khách có nhu cầu quan sát phong cảnh, nhà cửa, trang phục, đồ dùng của các tộc người. Không chỉ quan sát bằng mắt mà họ còn muốn khám phá các “mật mã”, tìm hiểu giá trị của hoa văn thổ cẩm. Mặt khác, khi đi du lịch, du khách thường muốn mua các đồ lưu niệm, đồ làm quà tặng… Đặc điểm của đồ lưu niệm, quà tặng là phải có vẻ đẹp riêng mang dấu ấn của từng vùng, từng tộc người. Quà tặng, đồ lưu niệm có chức năng sử dụng, dùng làm đồ trang trí hoặc các đồ vật thiết thực cho mỗi cá nhân, gia đình. Tất nhiên, các sản phẩm này phải gọn nhẹ, dễ đóng gói khi vận chuyển theo du khách. Những đặc điểm đó, thổ cẩm đều đáp ứng được. Vì thế, cơn bùng nổ du lịch ở Sa Pa đã tạo ra làn sóng khôi phục nghề thủ công làm thổ cẩm. Một đặc điểm khác của thổ cẩm là sản phẩm chứa đựng khả năng trình diễn, hút hồn du khách. Chính nhu cầu trải nghiệm, khám phá đã tạo ra giá trị mới của hoa văn thổ cẩm. Đó là giá trị đồng sáng tạo nghệ thuật; giữa du khách với người dân địa phương, giữa người bán với người mua đã hòa làm một.
Thổ cẩm như một kho tàng di sản với nhiều giá trị đặc sắc. Mỗi sản phẩm thổ cẩm trang trí đều in đậm giá trị lịch sử, phản ánh giá trị thẩm mỹ của từng tộc người. Các hoa văn thổ cẩm cũng phản ánh ứng xử của cộng đồng - chủ nhân văn hóa với môi trường tự nhiên (khí hậu, đặc trưng canh tác...). Hoa văn thổ cẩm còn phản ánh ứng xử giữa các tộc người với nhau, ứng xử của người dân trong đời sống thường ngày với thế giới thiêng, thế giới của các vị thần linh. Mối quan hệ ứng xử nhiều chiều vừa tạo ra tính đa dạng, vừa tạo ra nét đẹp độc đáo và hấp dẫn của sản phẩm. Do đó, thổ cẩm vừa mang dấu ấn văn hóa tộc người lại vừa mang dấu ấn văn hóa vùng miền khác nhau. Các dấu ấn này là điểm nhấn, tạo sức hấp dẫn du khách.
Hoa văn thổ cẩm vừa là tiềm năng, vừa là nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch. Nhưng muốn xây dựng sản phẩm du lịch mang tính hấp dẫn, phải bền vững, đòi hỏi các sản phẩm này phải được “thổi hồn”, tạo ra loại hình sản phẩm đặc thù, tránh tình trạng đồ lưu niệm có hoa văn na ná giống nhau, bày bán khắp các cửa hàng, khách sạn như hiện nay. Mặt khác, muốn xây dựng thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch thì phải trải qua các công đoạn đặc biệt khác nhau.
Trong đó, phải nắm vững giá trị đặc thù của mỗi loại hoa văn thổ cẩm để tạo ra sản phẩm riêng mang bản sắc của tộc người. Sau khi nhận diện và phân loại, kiểm kê được di sản hoa văn thổ cẩm, cần tiến hành công đoạn xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó cần nghiên cứu ý tưởng về sản phẩm mới của thổ cẩm. Phân tích nhu cầu của du khách để xây dựng các sản phẩm. Thiết kế sản phẩm theo các mẫu mã, chức năng sử dụng, chức năng thẩm mỹ phù hợp với nhu cầu của du khách. Quảng bá, tuyên truyền về sản phẩm để bán sản phẩm cho doanh nghiệp, du khách. Như vậy, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng người dân - chủ nhân của sản phẩm và các nhà khoa học tư vấn. Xây dựng thổ cẩm thành sản phẩm du lịch phải có chiến lược phát triển, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai | Báo Lào Cai điện tử (baolaocai.vn)