Tết đoan ngọ của người Tày ở Lào Cai

Người Tày cũng như các dân tộc thiểu số khác sinh sống ở Lào Cai đều có những nghi lễ truyền thống trong các dịp lễ tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài Tết Nguyên đán, người Tày còn có Tết tháng Ba - thanh minh, Tết tháng Năm - đoan ngọ, Tết tháng Bảy - Rằm tháng Bảy, Tết cơm mới - tháng 9 âm lịch. Tết tháng Năm, theo tiếng Tày gọi là “chiêng bươn hả” - trùng với ngày Tết đoan ngọ (còn gọi là tục giết sâu bọ) diễn ra vào 5/5 âm lịch.

Người Tày thường gói bánh chuối để dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết đoan ngọ

Vào dịp lễ Tết, đồng bào Tày thường tổ chức sửa soạn mâm lễ cúng tổ tiên. Trong đó, không thể thiếu được một nghi thức được duy trì cho đến ngày nay, đó là làm bánh truyền thống. Thông thường, Tết nguyên đán người Tày gói bánh chưng đen (nhiều nơi gọi là bánh chưng gù) - tiếng Tày gọi là “pẻng đằm”, còn Tết tháng Bảy làm bánh chuối (pẻng cổi), Tết tháng Ba làm bánh trứng kiến (pẻng nòn hay) và tháng Năm làm bánh nhân lạc đường, bánh nhân thịt…  

Ngày nay người Tày ở các huyện Bảo Yên và Văn Bàn vẫn giữ tục nhuộm móng tay bằng hoa cây bóng nước

Để làm bánh nhân lạc, nhân thịt (theo tiếng Tày là “pẻng nửng”), người Tày hái những tàu lá chuối đem phơi một nắng cho héo vừa phải vẫn còn độ xanh của lá chuối. Nghiền gạo nếp thành bột và đem nhào ướt vừa tay để nặn thành vỏ bánh. Trong ngày Tết đoan ngọ - tháng Năm, người Tày thường bánh có 2 loại nhân mặn ngọt để phù hợp với sở thích của từng người. Nếu là bánh nhân lạc đường thì rang lạc sau đó bỏ vỏ lụa, dùng chày gỗ nhỏ chà cho lạc vỡ đôi, trộn với đường kính trắng và làm nhân bánh. Còn thịt ba chỉ hoặc thịt nạc vai, lọc bỏ bì, băm nhuyễn, xào chín với hành, nêm vừa ăn, rồi mới gói vào bột nếp làm nhân. Sau khi hoàn thành công đoạn vào nhân bánh, cho 2 phần bánh đặt ngang vào lá chuối đã phơi héo, rồi gói và xoáy tạo thành một cặp bánh, dùng lạt giang buộc túm một đầu. Gói bánh xong, cho lên bếp để hấp cách thủy (đồ) khoảng 30 - 45 phút bánh chín là được.

Bánh chuối của dân tộc Tày ở Lào Cai

Ngày nay, mỗi dịp Tết đoan ngọ mùng 5/5, từ ngày hôm trước, nhiều gia đình có đông con cháu, anh em họ hàng, để tổ chức Tết tháng Năm, họ còn mổ lợn để bày cỗ, vừa là làm cỗ cúng tổ tiên, vừa tổ chức cho các thành viên trong gia đình sum họp, làm bánh… Theo các bậc cao niên trong các bản người Tày kể lại, trước đây, mỗi dịp Tết tháng Năm, cũng từ chiều hôm trước, những cô gái tuổi mới lớn hoặc chị em phụ nữ trong bản lấy hoa bóng nước về giã với nghệ, sau đó bọc vào lá chuối và nướng lên, rồi dùng để sơn lên móng tay, móng chân.

Người Tày lấy hoa cây bóng nước nhuộm móng tay trong ngày Tết đoan ngọ

Bà La Thanh Tiếp, xã Dương Quỳ chia sẻ: Theo quan niệm của người Tày ở Văn Bàn, họ làm như để thế mong muốn lông con sâu róm, con bọ không chạm được vào người mình - cũng hàm ý giống với ý nghĩa “giết sâu bọ”. Ngày xưa, vào Tết tháng Năm, nhà nào tổ chức làm màu bóng nước để sơn móng tay, móng chân, là rất đông nam thanh nữ tú đến nhà chơi, cùng nhau nhuộm móng.

Ngoài làm bánh chuối, đồ xôi, dâng cúng tổ tiên trong ngày Tết đoan ngọ, đồng bào Tày ở Bảo Yên còn có tục nhuộm móng tay bằng hoa cây bóng nước. Từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ đều được nhuộm móng tay Ông Ma Thanh Sợi, Nghệ nhân ưu tú dân tộc Tày ở xã Nghĩa Đô cho biết: Người Tày gọi cây bóng nước là cây “quao” và quan niệm rằng, khi hái hoa để bọc nhuộm tay thì phải kiêng không để gà trống nhìn thấy, bởi gà trống nhìn thấy thì khi bọc tay, không thành màu đỏ nữa. Thế nên, khi đi hái hoa cây bóng nước, phải “rình” như đi ăn trộm ấy…

Hoa cây bóng nước được người Tày dùng nhuộm móng tay trong dịp Tết đoan ngọ

Theo kinh nghiệm của người Tày, màu của hoa cây bóng nước bám chắc hơn cả sơn móng tay, phải 4-5 tháng sau mới mờ đi, cách duy nhất là chờ móng tay mọc lên rồi cắt đi. Tục nhuộm móng tay trong ngày Tết đoan ngọ từ xưa truyền lại vẫn được người Tày ở các vùng có đông bào Tày sinh sống của tỉnh Lào Cai như huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn vẫn duy trì cho đến ngày nay.

Cùng với mổ lợn, làm bánh, người Tày cũng chuẩn bị hoa quả để sáng hôm sau tổ chức ăn Tết đoan ngọ - tháng Năm. Họ cũng quan niệm giống như dân tộc Kinh, khi tỉnh giấc, việc đầu tiên là phải ăn hoa quả để “làm lý” giết sâu bọ... Cả gia đình quây quần bên nhau, khi lúa mới gặt xong (nếu cấy hai vụ lúa) hoặc lúa đang xanh (ruộng một vụ mùa) đều vui vẻ hàn huyên câu chuyện đoàn viên.

Lê Thanh Cường

Tin Liên Quan

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai

Tết Đoan Ngọ - mong mùa bội thu

Tết Đoan Ngọ là lễ truyền thống quan trọng của nhiều dân tộc trong tỉnh, người dân quen gọi là tết diệt sâu bọ. Vào ngày này, nhiều hộ làm bánh gio, dâng hương tổ tiên, ăn các loại trái cây có vị chua và cơm rượu nếp... Cách đón tết Đoan Ngọ ở nhiều nơi có thể có chút khác nhau nhưng đều chung ý ‎niệm...

Khoảnh khắc ấn tượng trên đường đua cao nguyên trắng

Đến với Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà mùa hè năm 2024 với chủ đề "Nghiêng say vó ngựa cao nguyên", du khách thập phương đã được mãn nhãn với từng bước chạy tại giải đua ngựa truyền thống lần thứ 17. Giải đua năm nay đã mang đến nhiều bất ngờ khi lần đầu tiên nài ngựa huyện Bát Xát giành ngôi "mã...

Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Festival sông Hồng năm 2024

Từ tháng 9/2024 đến 11/2024, tại tỉnh Lào Cai sẽ diễn ra Festival sông Hồng với nhiều hoạt động hấp dẫn.