Khơi thông "dòng chảy" tín dụng chính sách
Để thấy rõ những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Đỗ Ngọc Long, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Lào Cai.Phóng viên: Trước hết, xin ông đánh giá những kết quả đối với hoạt động tín dụng chính sách sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh?
Ông Đỗ Ngọc Long: Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư nêu rõ: “Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng CSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Thực tế qua 10 năm triển khai tại Lào Cai cho thấy, Chỉ thị số 40 có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với tín dụng chính sách, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng, giúp người dân được thụ hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng của Nhà nước.
Tính đến nay, tổng dư nợ hơn 4.500 tỷ đồng, gồm 20 chương trình tín dụng chính sách với hơn 86.000 khách hàng có dư nợ. Đến ngày 30/4/2024, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đang phối hợp với Ngân hàng CSXH Chi nhánh Lào Cai tham gia quản lý hơn 72.000 hộ vay vốn, với số tiền 4.561 tỷ đồng, tăng 2.722 tỷ đồng (tăng 148%) so với năm 2014, chiếm trên 99,9% tổng dư nợ tín dụng. Xây dựng được mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn rộng khắp tại 1.559 thôn, bản, tổ dân phố với 2.072 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 10 năm qua đã giúp 239.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH, góp phần giúp 71.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 46.000 lao động; giúp 101 lao động được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 3.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 80.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 17,61% năm 2014 (theo chuẩn nghèo cũ) giảm còn 14,94% năm 2023 (theo chuẩn nghèo đa chiều mới).
Vốn tín dụng chính sách xã hội cộng hưởng cùng các chính sách khác đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế tại địa phương.
Phóng viên: Một trong những kết quả nổi bật, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với tín dụng chính sách chính là chủ động huy động nguồn lực ủy thác sang Ngân hàng CSXH trong khi Lào Cai vẫn là tỉnh nghèo?
Ông Đỗ Ngọc Long: Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Kể từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40, tỉnh Lào Cai đã cân đối nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH với số tiền 351 tỷ đồng, tăng 2.247 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40, trong đó ngân sách tỉnh chuyển sang gần 271 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện 79,3 tỷ đồng.
Phóng viên: Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng thực tế cho thấy, việc triển khai Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, thưa ông?
Ông Đỗ Ngọc Long: Thực tế cho thấy, việc triển khai Chỉ thị số 40 đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng không ít khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo nói chung, tín dụng chính sách xã hội nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội nên chưa chú trọng chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thiếu cơ chế chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên từng địa bàn, đặc biệt là địa bàn cấp xã.
Phóng viên: Từ những khó khăn trên, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Lào Cai đề xuất những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong thời gian tới?
Ông Đỗ Ngọc Long: Trước hết, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Ngân hàng CSXH tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù; thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH. Đặc biệt, mặt trận Tổ quốc tiếp tục triển khai, mở rộng Cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH thực hiện các chương trình tín dụng chính sách...
https://baolaocai.vn/khoi-thong-dong-chay-tin-dung-chinh-sach-post385044.html