Bàn tay đặc biệt của cô Thảo

7AA353C0-0FA6-4362-AA71-8628C5962B79.jpeg

Sinh ra với bàn tay trái không hoàn thiện nhưng cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn) vẫn luôn lạc quan, vượt lên số phận để trở thành giáo viên dạy giỏi.

631325B5-F90F-4811-863D-DC891DAAF854.jpeg

Sau nhiều lần thuyết phục, cô Thảo cũng e dè mở lòng kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời mình, bởi với cô Thảo, dù khuyết tật hay lành lặn thì ai cũng phải đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Cô Thảo là người con của mảnh đất Khánh Yên Thượng, ngay từ khi lọt lòng, Thảo đã kém may mắn khi chỉ có bàn tay phải lành lặn.

Lên 2 tuổi, bố qua đời, mẹ con Thảo phải vất vả sống những ngày tháng thiếu thốn, bữa đói bữa no. Thương mẹ tần tảo, ngay từ nhỏ Thảo đã ham học. “Những ngày đầu đi học, tôi tủi thân phát khóc khi bị bạn bè trêu chọc về khuyết điểm của mình. Nhưng càng như vậy, tôi càng quyết tâm phải học thật tốt” - Thảo nhớ lại.

2A4277C3-0821-46A4-B4CE-AEDA07A85364.jpeg

Tan giờ học trên lớp, Thảo giúp mẹ lấy củi, hái rau nuôi lợn, học cả nghề may quần áo của mẹ. Dù thiếu một bàn tay nhưng không có việc gì làm khó được mình.

Nhiều năm liền, Thảo luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. “Tôi biết hoàn cảnh mình không may mắn nên tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để các bạn không xem thường mình. Đặc biệt là phải làm việc thật tích cực để mọi người biết dù tàn tật nhưng mình vẫn làm được nhiều việc như người bình thường khác” - cô Thảo nói.

Với ước mơ được đứng trên bục giảng, Thảo quyết tâm thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, Khoa Giáo dục tiểu học. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp, Thảo ra trường và được phân công dạy lớp 1 tại phân hiệu Bản Khoang, Trường Tiểu học Dương Quỳ (huyện Văn Bàn).

8DD17CB6-781B-4638-B6E1-8667DBDC6C4E.jpeg

Đến bây giờ, trong ký ức của cô Thảo vẫn vẹn nguyên những ngày đầu dạy chữ. “Ám ảnh nhất là đường tới phân hiệu toàn bùn đất, dốc cao. Đối với người bình thường đã vất vả, với người khuyết tật như tôi thì lái xe máy trên đoạn đường ấy là cực hình” - cô Thảo tâm sự.

Phân hiệu Bản Khoang gồm dãy nhà cấp 4 với 5 phòng học, mái nhà bằng tôn mỏng phải gia cố thêm những thanh tre để chống nóng, ngày gió lớn là cả mái nhà rung lên bần bật. Hằng ngày, cô Thảo cùng 4 giáo viên dạy tại điểm trường phân công nhau mang thực phẩm lên để nấu ăn trưa, nhiều hôm phải đi xách nước cách đó hàng cây số. Cuộc sống còn nghèo nên nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con, không đủ điều kiện đưa con đến lớp...

EAABEF2D-0EB5-476F-AB43-3561A97B7AF1.jpeg

Tôi không nhớ rõ mình đã ngã bao nhiêu lần, bao nhiêu lần đến lớp với quần áo, sách vở lấm lem nhưng càng khó khăn tôi càng quyết tâm phải vượt qua, bởi vì đồng hành với tôi còn có những đồng nghiệp tận tụy và học trò yêu “con chữ”

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo

Đổi lại năm tháng khó khăn ấy là những kỷ niệm đẹp trong suốt hành trình “gieo chữ” của cô Thảo. Đó là kỷ niệm cô Thảo phải mua dép, bánh kẹo đến tận nhà vận động học sinh đi học; kỷ niệm mớ rau, con gà, quả trứng phụ huynh mang đến cho các thầy giáo, cô giáo hoặc bó hoa dại học trò tặng cô nhân ngày 20/11. Tất cả trở thành nguồn động lực to lớn giúp cô Thảo vượt qua khó khăn, quyết tâm dạy tốt.

FD9D9AD3-ED90-47D7-A50B-BBEE45496413.jpeg
 

Tiết học Tự nhiên xã hội của lớp 5B, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng sôi nổi hơn khi học sinh được đóng vai các “thuyết trình viên” giới thiệu về vòng đời của các loài động vật. Lớp học 27 học sinh được cô Thảo chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm được phân công nhiệm vụ thuyết trình về vòng đời của 1 loài vật bằng sản phẩm STEM của nhóm mình.

F26FF9DC-1176-425A-A23B-3F12A9AC311E.jpeg

Với vóc dáng nhỏ nhắn nhưng đầy tự tin, Hoàng Thị Hồng Quyên đứng trên bục, tay cầm cây thước chỉ vào tấm “bản đồ” với những hình thù ngộ nghĩnh, sắc màu. “Vòng đời của ếch trải qua các giai đoạn lần lượt là: Trứng, phôi, nòng nọc, nòng nọc 2 chân, nòng nọc 4 chân, ếch con, ếch trưởng thành. Bạn nào có đóng góp ý kiến gì thêm cho nhóm 1 không?” Phía dưới những cánh tay giơ cao, hàng loạt ý kiến, thắc mắc được đưa ra, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, Quyên đã đưa giải đáp cho các bạn.

15C2F2EF-B4FB-41B2-A5D1-45893E87A6B5.jpeg

Để có được tiết dạy học thú vị như vậy, cô Thảo cùng học sinh đã phải dành một ngày tỉ mỉ chuẩn bị nội dung, các hình cắt dán mô phỏng. Chỉ có một bàn tay nguyên vẹn, nhưng cô Thảo vẫn khéo léo vẽ và cắt hình các con vật, cây cối, hoa lá. “Là giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn trăn trở nghiên cứu phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu. Không chỉ vậy, tôi phải đóng vai “nhà tâm lý học” thường xuyên quan tâm đời sống tâm lý của học sinh. Nhiều khi tôi phải lấy hoàn cảnh và ước mơ của bản thân là câu chuyện để tâm sự, chia sẻ và “truyền lửa” tới học trò. Đặc biệt, chứng minh cho các em thấy rằng, những khiếm khuyết trên cơ thể sẽ không còn là rào cản khi chúng ta biết quyết tâm, nỗ lực vượt qua” - cô Thảo chia sẻ.

28225746-1B1F-4692-A2D1-80198FA09E5D.jpeg

Để đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Thảo phải mày mò học hỏi các bài giảng sáng tạo trên internet rồi áp dụng dạy học trò của mình. Thiết bị giảng dạy của nhà trường còn hạn chế, cô Thảo tìm cách khắc phục bằng những sản phẩm sáng tạo STEM, sưu tầm hình ảnh, video minh họa làm phong phú thêm bài giảng. Qua hoạt động trải nghiệm, học sinh được rèn luyện tư duy logic, tư duy phản biện, được rèn luyện nhiều kỹ năng sống như kỹ năng giao tiếp, thực hành, làm việc nhóm… Gần đây nhất, cô Thảo xuất sắc đạt giải Nhì Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh STEM năm học 2023 - 2024.

 
26F5141A-E4DE-48B7-B4AD-BD116223BA46.jpeg

Bên cạnh việc thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, cô Thảo còn “mát tay” trong bồi dưỡng học sinh giỏi. Năm nào lớp cô Thảo chủ nhiệm cũng có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cô giáo Thu Thảo là giáo viên trẻ tuổi nhất của trường. Mặc dù mới về trường công tác 2 năm nhưng cô Thảo đã khẳng định được năng lực, trình độ chuyên môn nổi trội. 2 năm liên tiếp cô Thảo đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Giáo viên dạy giỏi cấp trường với những bài giảng sáng tạo. Đặc biệt, với tinh thần lạc quan, giàu nghị lực, yêu nghề, cô Thảo trở thành tấm gương sáng cho đồng nghiệp và học sinh.

Cô giáo Phan Thị Nhài, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng.

https://baolaocai.vn/ban-tay-dac-biet-cua-co-thao-post384454.html

Theo Thanh Huệ/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Chủ động các phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Dự đoán trước những tình huống có thể phát sinh, tỉnh Lào Cai đã xây dựng các phương án dự phòng nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và quyền lợi cao nhất cho thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Người dân hào hứng với trải nghiệm hái lê và thi "hoa hậu lê"

Ngày 22/6, UBND huyện Bát Xát tổ chức lễ hội trải nghiệm thu hoạch lê VH6 tại xã Nậm Pung.

Lào Cai đưa “dân vận khéo” đi vào chiều sâu

Về công tác dân vận, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng...

Ứng dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi

Ngày 20/6/2024, UBND huyện Bát Xát ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND triển khai thực hiện tiểu dự án 2, thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2023-2025 và năm 2024 trên địa bàn huyện Bát Xát.

Kết thúc hoạt động bộ phận Một cửa thành phố Lào Cai tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công

Từ ngày 1/7/2024, bộ phận Một cửa thành phố Lào Cai sẽ dừng hẳn hoạt động tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công và chuyển về trụ sở HĐND và UBND thành phố.

Đảm bảo Festival sông Hồng diễn ra trang trọng, tạo dấu ấn đặc biệt

Đó là chỉ đạo của đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Festival sông Hồng tại buổi họp rà soát các nhiệm vụ đã triển khai, thống nhất kế hoạch chi tiết về tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao trong khuôn khổ Festival sông Hồng diễn ra vào chiều 20/6.