Xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Lào Cai đã gặt hái được những thành quả tích cực. Đặc biệt, diện mạo cơ sở hạ tầng và nông nghiệp nông thôn ngày một cải tiến về chất lượng, góp phần lớn trong việc nâng cao đời sống, kinh tế người dân, mang lại sức sống mới cho vùng đất nơi đây.Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh tại các địa phương. Ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ ra quân phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, năm 2023 đã thu hút đông đảo các tầng lớp tích cực hưởng ứng. Công tác rà soát, đánh giá theo dõi tiến độ thực hiện Chương trình được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình khai thực hiện tại cơ sở.
Công tác tuyên truyền được tập trung đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục và đổi mới, sáng tạo. Hệ thống tổ chức, bộ máy chỉ đạo quản lý Chương trình được kiện toàn theo quy định. Ưu tiên lồng ghép, tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các hoạt động phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều được quan tâm đầu tư; các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, củng cố. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững.
Diện mạo các khu vực nông thôn, vùng cao Lào Cai đã có nhiều đổi thay tích cực. Nguồn lực vật chất khổng lồ mà nhà nước đầu tư, cùng với biết bao công sức của người dân đang hiện hữu thành những công trình hạ tầng thiết yếu và đời sống ngày càng ấm no. Năm 2023, dự kiến kế hoạch vốn dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là: 2.646 tỷ đồng, trong đó: gần 125 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 834 tỷ đồng ngân sách địa phương, còn lại trên 1.687 tỷ đồng là vốn lồng ghép, huy động doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân. Đối với công tác giải ngân, nguồn vốn Trung ương, ước đến tháng 01/2024 tỉnh đã giải ngân được 90,23%, trong đó 67,09% vốn sự nghiệp, 100% vốn đầu tư phát triển.
Người dân chung sức dây dựng đường giao thông nông thôn.
Quan điểm phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền của tỉnh được người dân đồng tình ủng hộ. Nhờ vậy mà trong năm qua, đã có trên 1.100 km đường giao thông nông thôn được làm mới và nâng cấp, trong đó có gần 700 km đường được đổ bê tông, đảm bảo đi lại thuận tiện bốn mùa. Tại nhiều địa phương, bà con đang đồng thuận hiến đất để mở rộng đường nông thôn từ 3 mét lên 6 mét, với suy nghĩ muốn làm giàu thì phải mở đường to. Tại huyện Si Ma Cai, trong năm qua đã có đến 1.260 hộ dân tham gia hiến đất, với tổng diện tích gần 73 héc ta. Bà con không đo đếm thiệt hơn, nhiều hộ đã phá bỏ hoa màu, hiến hàng nghìn mét vuông đất để mở đường thôn rộng hơn, thuận tiện cho việc đi lại và lưu chuyển hàng hóa.
Xã Nghĩa Đô, Bảo Yên được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày.
Hạ tầng phát triển đã mở ra nhiều cơ hội mới để bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Bắt đầu từ năm 2023, 6 chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới được tỉnh triển khai thực hiện, bao gồm: phát triển du lịch nông thôn, mỗi xã một sản phẩm; ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh và Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Khi 6 chương trình chuyên đề này được triển khai, xã Nghĩa Đô, Bảo Yên được lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc Tày. Xác định du lịch là một trong các thế mạnh đặc biệt để phát triển kinh tế, chính vì vậy, các cấp ủy, chính quyền huyện Bảo Yên và xã Nghĩa Đô đã tập trung mọi nguồn lực, phát huy tối đa nội lực tại chỗ, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, di sản, khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch sẵn có...nhằm từng bước biến những di sản văn hóa thành tài sản, tài nguyên du lịch vô giá...Vẫn là ruộng lúa, vườn cây, ao cá, nhưng khi kết hợp với khai thác bản sắc văn hóa dân tộc thì đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo.
Chị Lương Thị Quyên – chủ Homestay xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên chia sẻ: “Nhà tôi cũng làm một cái cầu ra giữa ruộng để khách đến chụp ảnh mùa lúa chín. Xuất thân từ nhà nông tôi cũng thích trồng nhiều cây cảnh, cây hoa, có chỗ để cho khách đi trải nghiệm, hái hoa, ăn quả vừa phát huy những tài sản mình có vừa tăng thu nhập cho gia đình, làm đẹp cảnh quan”.
Đến Nghĩa Đô mùa lúa du khách sẽ được "check in" trên những cánh đồng lúa xanh miên man, thơ mộng.
Trên địa bàn tỉnh có 11 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch. 457 cơ sở homestay trong đó tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, thành phố Lào Cai. Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai 8 mô hình thí điểm cấp tỉnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 196 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 186 sản phẩm 3 sao). Trong năm 2023, các sản phẩm OCOP của Lào Cai đã được giới thiệu, quảng bá qua 9 hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại, 98% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử, tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử. Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Có 01 mô hình thí điểm cấp tỉnh về chuyển đổi số tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng và 08 mô hình cấp huyện về xã chuyển đổi số hướng tới xã nông thôn mới thông minh.
Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của tỉnh đã đạt 40 triệu đồng, tăng gần 6,4 triệu đồng so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 4,43%/năm đã góp phần thay đổi đời sống của người dân khu vực nông thôn. Trong phát triển nông nghiệp, tỉnh đã lựa chọn 6 ngành hàng chủ lực, trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh mang tính vùng miền để bà con nông dân có thể làm giàu từ nông nghiệp.
Đến thời điểm này, Lào Cai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng; 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 204 thôn kiểu mẫu, 252 thôn nông thôn mới.
Năm 2024, Lào Cai dự kiến nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là gần 2.450 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 123 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 800 tỷ đồng, còn lại trên 1.526 tỷ đồng là vốn lồng ghép, huy động doanh nghiệp, tổ chức và Nhân dân. Trong năm 2024 này, Lào Cai đang đưa ra mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh sẽ có thêm 10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 05 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu có thêm 48 thôn nông thôn mới và 36 thôn kiểu mẫu. Bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí, toàn tỉnh không còn xã dưới 10 tiêu chí. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Thu nhập bình quân vực nông thôn đạt khoảng 42 triệu đồng/người; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm khoảng 5%. Để xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, tỉnh Lào Cai cũng đang tích cực thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm để tận dụng lợi thế riêng có của các địa bàn nông thôn, làm phong phú hơn các sản phẩm nông nghiệp, và mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập, mức sống cho người nông dân.