Hợp tác số toàn cầu: Cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đẩy mạnh đầu tư, mở rộng thị trường, khai thác cơ hội kinh doanh sản phẩm, giải pháp ra nước ngoài, sáng 26/3/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị lần hai về hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường quốc tế”.Thứ trưởng Phan Tâm: Hiểu về thị trường, về năng lực và thế mạnh của mình sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta có các bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới
Đây là lần thứ hai Bộ TT&TT tổ chức hội nghị về hợp tác số toàn cầu. Năm nay, Bộ TT&TT tiếp tục tập trung triển khai hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường, khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở các nước trên thế giới.
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế đã cung cấp thông tin về chính sách, quy định và chính sách thu hút đầu tư của các nước, thị trường tiềm năng và môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư và phát triển tại nước ngoài.
Phó Chủ tịch Tiểu ban kỹ thuật số của Phòng Thương mại và Công nghiệp Châu Âu (Eurocham), bà Eunjung Han cho biết, Châu Âu là thị trường quảng cáo về công nghệ số lớn nhất toàn cầu. Hiện Châu Âu đang đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy đổi mới và tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đầu tư phát triển tại thị trường Châu Âu, đặc biệt là lĩnh vực phát triển AI.
Ông Stephen L. Greeen, Tham tán thương mại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thông tin về thị trường tiềm năng và môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đồng thời nhận định Hoa Kỳ đang rất mong chờ, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi lĩnh vực tham gia đầu tư tại Hoa Kỳ.
Cùng với đó, đại diện Ấn Độ và Nhật Bản chia sẻ: Nhật Bản và Ấn Độ đều là những quốc gia có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực, trong khi Việt Nam lại có thế mạnh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực IT. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể tăng cường phát triển tại các quốc gia này, đồng thời các quốc gia có thể tăng cường hợp tác về đào tạo, trao đổi nhân sự IT chất lượng cao trong thời gian tới.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương đã thông tin tổng hợp về tình hình và thị trường thế giới, các phân tích và đánh giá về tiềm năng, cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến hết năm 2023, cả nước có 1.720 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,12 tỷ USD đầu tư sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, riêng đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đến hết năm 2023 đã ghi nhận 207 dự án với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, quy mô thị trường số toàn cầu tăng trưởng hàng năm. Hiện các nước đều thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Nhiều nước tập trung vào công nghệ lõi, tạo cơ hội cho Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực này.
Đại diện Bộ Ngoại giao khuyến nghị, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu khả năng liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài, mở văn phòng đại diện đầu tư. Cùng với đó, phải đặc biệt chú trọng đến tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, chữ tín, bảo mật thông tin, đồng thời phải tích cực phối hợp, không ngừng đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm, học tập doanh nghiệp đi trước...
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chụp ảnh cùng các đại biểu tại Hội nghị
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư ra nước ngoài là sứ mệnh rất vinh quang, nhưng cũng gắn với nhiều thách thức, rủi ro. Hiểu về thị trường, về năng lực và thế mạnh của mình sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta có các bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới.
Với các thông tin được chia sẻ hôm nay, Thứ trưởng mong rằng các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam sẽ nghiên cứu, khai thác, phân tích thấu đáo để có các quyết định phù hợp với điều kiện riêng của mình.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: Cùng với Bộ TT&TT, các cơ quan liên quan của Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường mới, đồng thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại nước ngoài./.
https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/163148/Hop-tac-so-toan-cau--Co-hoi-cho-doanh-nghiep-cong-nghe-so-Viet-Nam-tai-thi-truong-nuoc-ngoai.html