Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ

Tả Phìn (thuộc thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là vùng đất mang đậm bản bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ - nơi đây hội tụ đủ 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhiều năm qua, đây là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 1.

Cung đường di sản văn hóa Dao với những ngôi nhà mang đậm văn hóa người Dao đỏ. Ảnh chụp từ trên cao xuống - Ảnh: VGP/LTC


Tuy nhiên, theo lãnh đạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Tả Phìn hiện chưa phát huy hết giá trị di sản vốn có của cộng đồng dân tộc Dao đỏ, với 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ cấp sắc; Lễ hội Pút tồng; Chữ Nôm Dao; Lễ Khoi kìm - cúng rừng; Nghề chạm khắc bạc; Nghề làm trống; và Nghệ thuật trang trí trên trang phục. Văn hóa và những nét đặc trưng của mảnh đất này còn bỏ ngỏ, cần có định hướng cụ thể để phát huy được những tinh hoa của di sản văn hóa, mang đến cho khách du lịch trong và ngoài nước những trải nghiệm văn hóa đặc sắc của người Dao đỏ vùng cao.

Mới đây, Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa và xã Tả Phìn đã xây dựng "Cung đường di sản văn hóa Dao" của tỉnh Lào Cai với phương án bước đầu là có 16 hộ dân người Dao đỏ (nằm dọc tuyến đường thôn Sả Séng) tham gia, hiện tại đã khởi động và thí điểm thực hiện tại 5 gia đình. Theo kế hoạch, thị xã sẽ tập trung nguồn lực để nâng cao các giá trị văn hóa bản địa của cộng đồng người Dao đỏ sinh sống ở Lào Cai như giới thiệu, bảo tồn về kiến trúc truyền thống nhà ở của người Dao đỏ, các cảnh quan thiên nhiên, các tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng, các nghề truyền thống (làm trống, kỹ thuật thêu thổ cẩm, đan lát...), các bài thuốc bản địa, hoạt động sản suất nông nghiệp (nổi bật là trồng cây địa lan...) của người Dao đến du khách trong nước và quốc tế.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, tỉnh và thị xã chọn thôn Sả Xéng để xây dựng mô hình "Cung đường di sản văn hóa Dao" bởi nơi đây còn mang đầy đủ những nét nguyên bản, thô mộc về một ngôi làng của dân tộc Dao đỏ như kiến trúc, không gian nhà ở, nghề truyền thống, nghi lễ và các nét văn hóa đặc sắc.

Tại xã Tả Phìn, ông Chảo Quẩy Vạng (sống ở thôn Sả Xéng) là một trong những gia đình hiếm hoi còn duy trì nghề làm trống da bò theo phương thức của người Dao. Ông Vạng cho biết gia đình ông đã làm nghề này hơn 30 năm. Ông nói: "Nếu không duy trì và truyền dạy cho thế hệ trẻ, thì nay mai, những người ở Sả Xéng không ai biết làm nghề này nữa". Hiện tại, trong nhà ông Vạng đã được bài trí, sắp xếp để trở thành một địa điểm trưng bày, giới thiệu và phát triển nghề làm trống da bò truyền thống. Khi đến đây, du khách không chỉ được trải nghiệm nghề làm trống thủ công mà còn có thể tìm được món quà lưu niệm mang bản sắc văn hóa người Dao bản địa.

Còn nghệ nhân Tẩn Vần Siệu hiện đang duy trì lớp học chữ Nôm Dao và trực tiếp truyền dạy ngay tại gia đình. Trăn trở với câu chuyện văn hóa, nghệ nhân Tẩn Vần Siệu chia sẻ: "Lo lắng về việc mai một văn hóa dân tộc, tôi mở lớp truyền dạy chữ viết Nôm Dao, để thế hệ trẻ trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông để lại, cũng như giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp từ việc học trong những cuốn sách cổ. Việc gìn giữ giá trị của chữ Nôm Dao sẽ giúp nối tiếp những mạch nguồn di sản văn hóa dân tộc Dao đỏ trong cộng đồng người Dao".

Ngoài gia đình nghệ nhân Tẩn Vần Siệu - dạy chữ Nôm Dao, nghệ nhân làm trống Chảo Quẩy Vạng thì Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa đã chọn khôi phục nghề lò rèn - chạm khắc bạc tại gia đình ông Phàn Chằn Quý; khôi phục nghề thêu thổ cẩm tại gia đình bà Chảo Vần Nhàn. Cùng với việc phát huy giá trị nghề truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa, không gian kiến trúc, các chuyên gia tư vấn du lịch đã cầm tay chỉ việc hướng dẫn bà con Sả Séng giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo tồn các công trình kiến trúc nhằm giữ nguyên các giá trị văn hóa của người dân tộc.

Ông Lý Tự Minh, chuyên gia văn hóa du lịch cho biết: Các gia đình người Dao đỏ ở Tả Phìn khi tham gia phát triển du lịch cộng đồng cũng đã chỉnh trang nhà ở, làm đẹp cảnh quan, không gian xung quanh nhà để đón khách. Song, để tạo ấn tượng mạnh mẽ và phát huy được hết tiềm năng về bản sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ, thì rất cần các đơn vị chức năng định hướng cho họ cách tiếp biến văn hóa nhưng vẫn giữ nguyên được hồn cốt của truyền thống dân tộc Dao đỏ.

Chùm ảnh tại Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ Tả Phìn:

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 2.

Bên trong một ngôi nhà đặc trưng của người Dao đỏ Tả Phìn - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 3.

Người Dao đỏ Tả Phìn bảo tồn nghề làm trống da bò - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 4.

Không gian trình diễn nghề làm trống trong Cung đường di sản văn hóa Dao - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 5.

Nghệ nhân Tẩn Vần Siệu duy trì lớp học chữ Nôm Dao - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 6.

Những em bé người Dao đỏ học chữ Nôm Dao của dân tộc mình - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 7.

Người Dao đỏ xây dựng lại cơ sở lò rèn nghề chạm khắc bạc - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 8.

Phụ nữ dân tộc Dao đỏ thêu thổ cẩm để may trang phục truyền thống - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 9.

Nghi lễ cúng trong lễ hội Pút Tồng - lễ cúng đầu năm của đồng bào dân tộc Dao đỏ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, sự đoàn kết giữa các gia đình, dòng họ, làng bản - Ảnh: VGP/LTC

Độc đáo Cung đường di sản văn hóa người Dao đỏ- Ảnh 10.

Người Dao đỏ múa hát trong lễ hội Pút Tồng - Ảnh: VGP/LTC

 

https://baochinhphu.vn/don-khach-du-lich-voi-cung-duong-di-san-van-hoa-nguoi-dao-do-102240123135546486.htm

theo Báo Chính phủ

Tin Liên Quan

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn

Ngón huyền trên cung đàn tính ở thôn Phẻo

Từ lâu, thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng vẫn duy trì và phát triển đội văn nghệ quần chúng gồm hơn 20 thành viên, chủ yếu là phụ nữ và tất cả đều là đồng bào Tày. Những lúc nông nhàn, ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ hay buổi tối, chị em lại tề tựu về nhà văn hóa thôn tập và trao truyền cho nhau...